Theo thống kê, trung bình mỗi đại biểu mất 48 giây cho việc đặt câu hỏi, thấp hơn rất nhiều so với khoảng thời gian một phút rưỡi ở Kỳ họp thứ 4. Có những câu hỏi đại biểu chỉ trình bày 16-20 giây mà vẫn rõ ràng.
Việc “hỏi nhanh” là điều kiện để số lượng câu hỏi dành cho các tư lệnh ngành được tăng lên, giải đáp bức xúc của cử tri cũng nhiều hơn. Nếu như ở những kỳ trước, mỗi bộ trưởng nhận được khoảng 40 lượt chất vấn và tranh luận của đại biểu thì kỳ họp này con số tăng lên đến 70; cao nhất là trên 80 câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Hỏi nhanh” nên các “tư lệnh” ngành có nhiều thời gian “đăng đàn” hơn. Nhưng “hỏi nhanh” đi kèm với “hỏi nhiều”, trong khi thời gian trung bình dành cho các bộ trưởng trả lời một câu hỏi chất vấn chỉ có 3 phút nên nhiều câu trả lời rất gọn. “Gọn” đến mức được “gói gọn” trong vài từ: “nhận trách nhiệm”, “xin hứa”, “xin lỗi, mong cử tri thông cảm”…
Một thống kê khá thú vị về tần suất xuất hiện những cụm từ nêu trên khi 4 “tư lệnh” ngành trả lời chất vấn. Các bộ trưởng có gần 100 lần xác nhận tiếp thu ý kiến của đại biểu và hơn 50 lần “hứa hẹn” và sẽ “cố gắng” thay đổi.
Xuyên suốt 3 ngày, với tư cách là người đứng đầu ngành, các bộ trưởng có 15 lần trực tiếp nhận trách nhiệm về phía mình. Riêng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong lần đầu tiên ngồi “ghế nóng” đã “xin lỗi” và “mong bà con hết sức thông cảm” 12 lần.
Đáng chú ý, cụm từ “trách nhiệm” được cả đại biểu và bộ trưởng đề cập đến 300 lần-là cụm từ được nhắc đến nhiều thứ hai, sau “Kính thưa!” (570 lần).
Không dài dòng mà đi vào trọng tâm của câu hỏi là yêu cầu của “đáp gọn”. Việc các “tư lệnh” ngành “nhận trách nhiệm”, “xin hứa”, “xin lỗi, mong cử tri thông cảm”,… cũng là một cách để “đáp gọn”.
Nhưng sau “đáp gọn” đó là đòi hỏi về những việc trong tương lai mà các bộ trưởng phải làm. Bởi lẽ, áp lực không phải khi đối diện với câu hỏi chất vấn mà là thực hiện lời hứa.
SỸ HÀO