Đây là diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm đào tạo giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giảng viên, cơ sở giáo dục đại học về các vấn đề đào tạo ngành Quản trị kinh doanh (QTKD).
Tham dự Hội thảo, ngoài các đại diện đến từ Đại học Công đoàn, các Giáo sư, Tiến sĩ đến từ các trường đại học: Kinh tế quốc dân, Lương Thế Vinh, Quốc gia Hà Nội, Tài chính, Ngân hàng, VNPT IT khu vực I và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Ts. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn nhấn mạnh: Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo đã tác động sâu rộng đến toàn ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Trước bối cảnh đó, cơ sở giáo dục đại học cần có thay đổi về cách thức vận hành để thích ứng kịp thời và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực QTKD trong nền kinh tế số.
QTKD là hoạt động vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, có vai trò xuyên suốt trong cả quá trình kinh doanh và quyết định trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực QTKD có năng lực làm chủ công nghệ và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài để thích ứng sự thay đổi của nền kinh tế số tại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm và các vấn đề khác liên quan đến đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi.
Tham luận tại Hội thảo, PGs.Ts. Hà Sơn Tùng - Trưởng khoa QTKD - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Đào tạo QTKD đã và đang là một trong những ngành thu hút được sự quan tâm của xã hội. Nhu cầu doanh nghiệp với ngành đào tạo này là rất lớn. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 2019 - 2021, QTKD là ngành chiếm thứ hạng cao nhất về số lượng hồ sơ đăng ký của thí sinh (trên 10% mỗi năm).
Tuy nhiên, trước sự thay đổi về nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp, sự tác động của nhiều yếu tố khách quan, đào tạo QTKD cũng cần có những thay đổi về mục tiêu chương trình, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, trải nghiệm học tập và đánh giá kết quả.
Theo PGs.Ts. Vũ Quang Thọ - Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Lương Thế Vinh: Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ngành QTKD như những học phần cần thiết trong chương trình đào tạo. Cùng với đó là đổi mới phương pháp khoa học của giảng viên, đội ngũ giảng viên, tài liệu tham khảo.
Theo đó cần tập trung vào 2 nội dung quan trọng đó là đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ngành QTKD như những học phần cần thiết trong chương trình đào tạo, phương pháp khoa học của giảng viên, đội ngũ giảng viên, tài liệu tham khảo. “Cần gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn tại doanh nghiệp, ấn định lại quy trình thực hành ngành QTKD và kiểm nghiệm tính hiện thực của ngành đào tạo trong thực tế”, PGs.Ts. Vũ Quang Thọ cho biết.
Cũng theo PGs.Ts. Vũ Quang Thọ, đào tạo là một quá trình cả với người đào tạo và với người được đào tạo. Trong quá trình đó, yêu cầu thường xuyên đổi mới, đổi mới liên tục về nội dung chương trình, bài giảng của từng giảng viên, phương pháp giảng dạy, những ví dụ, cách nhập môn…“Đây là một yêu cầu tất yếu với lý do người đi đào tạo và người được đào tạo, đều là các trí thức, đều hiểu biết, đều có nhu cầu về cái mới, về sự đổi mới. Do đó, đổi mới liên tục, tìm cái mới là bản chất của sáng tạo. Tính chất của giáo dục là đi đến sáng tạo cái mới hơn. Đó cũng là sự phát triển”, PGs.Ts. Vũ Quang Thọ nhấn mạnh
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Ts. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: Những tham luận tại Hội thảo là những tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận, thực trạng và đề xuất giải pháp đào tạo ngành QTKD chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi.