Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên Chi hội, các giảng viên trường đạo tạo báo chí…
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Trong 3 năm 2020 - 2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức được 333 lớp học dành cho hơn 10.000 lượt học viên trên cả nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng và là động lực quan trọng tạo đà cho Trung tâm tiếp tục bứt phá trong những năm tiếp theo”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin, nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, các khóa học do Trung tâm tổ chức vẫn chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: Kỹ năng cho các loại hình báo chí (228 lớp học); Chuyên đề, chuyên sâu (101 lớp học)... Có một số điểm mới về công tác bồi dưỡng của Trung tâm trong các năm vừa qua, đó là đã tổ chức các lớp học mới để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới nhu chuyển đổi số, sản xuất Long-for (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng Facebook, ngăn chặn tin rác…
Trung tâm cũng đã chú trọng vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng khoa học, truyền thông về giới, xây dựng Đảng, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số...
Cùng với các lớp về kỹ năng, nội dung về chính trị, đạo đức người làm báo cũng được lồng ghép trong các bài giảng, nhằm giúp cho các nhà báo luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp.
Tập trung thiết kế các chương trình bài giảng ở các loại hình báo chí theo quy chuẩn và chuyên nghiệp, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề liên quan đến công tác đào tạo bồi dưỡng và tác nghiệp trong báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Trung tâm đã tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các lớp học trực tiếp ở các địa phương ở xa, như Điện Biên, Kiên Giang, Cao Bằng. Những lớp học của Trung tâm ở các địa phương (dù trực tiếp hay trực tuyến) đều đã đáp ứng yêu cầu thiết thực của hội viên. Tuy nhiên, đa số các lớp học của Trung tâm chủ yếu diễn ra tại miền Bắc với 175 lớp học (chiếm 53%), sau đó là miền Nam với 84 lớp học (chiếm 25%) và miền Trung với 74 lớp học (chiếm 22%).
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, việc mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí có nhiều khó khăn, khi không còn quá nhiều dự án dành cho báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài trong các năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng còn hạn chế…
Trong thời gian tới, theo bà Vân, Trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng làm báo hiện đại cho các loại hình báo chí. Trung tâm sẽ đặc biệt chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Việt Nam, bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó, củng cố, xây dựng, đào tạo và đào tạo đội ngũ giảng viên mới, là những nhà báo trẻ, vững tay nghề và am hiểu công nghệ sẽ là lực lượng nòng cốt của Trung tâm để phát triển các lớp học trực tuyến và những lớp về chủ đề chuyển đổi số. Từ đó, Trung tâm sẽ tổ chức thêm được nhiều lớp học bắt kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu hội viên…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đưa ra những ý kiến, giải pháp để nâng cao chất lượng bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ báo chí trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên nhấn mạnh: Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần được cập nhật để đáp ứng được yêu cầu mới. Các trường đại học và các tổ chức đào tạo cần thiết lập các chương trình đào tạo phù hợp với các xu hướng và công nghệ mới, giúp sinh viên có thể nắm bắt được các kiến thức cơ bản cũng như có khả năng sử dụng công nghệ mới nhất để truyền tải thông tin một cách hiệu quả.
Hơn nữa, các chương trình đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến khía cạnh đạo đức và độ tin cậy, giúp sinh viên hiểu rõ về tầm quan trọng của vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thời kỳ 4.0 trong quá trình hành nghề sau này… Còn bà Phó Cẩm Hoa - Đại diện Đài tiếng nói Việt Nam cho rằng báo chí trong giai đoạn hiện nay đã chú trọng đến việc chuyển đổi số, những đối với mảng quản lý vẫn còn chưa thật sự được quan tâm, chú trọng. Cần có lớp đào tạo, bồi dưỡng dành cho đội ngũ quản lý trưởng, phó phòng… để đội ngũ quản lý hiểu thêm về nhiệm vụ của phóng viên trong quá trình tác nghiệp.
Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo VietNamPlus cho biết: Nhân lực của cơ quan báo chí ngày càng giảm. Hội Nhà báo cần nghiên cứu giáo trình để bồi dưỡng để làm một phóng viên tích hợp. Trong quá trình bồi dưỡng cần có những sản phẩm thực hành để nâng cao chất lượng bồi dưỡng. Hội Nhà báo cần mời các nhà báo có kinh nghiệm của các tòa soạn báo đến đào tạo bồi dưỡng theo các nội dung chuyên sâu. Cần có cách thức, mô hình cho phóng viên tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệp như đại dịch, bão lũ để bảo đảm an toàn cho phóng viên tác nghiệp…
“Hội Nhà báo cũng nên mời các phóng viên nước ngoài tham gia giảng dạy về báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số để tạo những chuyển biến rõ nét trong các khoá bồi dưỡng”, ông Duẩn đề xuất.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hội ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm. Các ý kiến đề xuất rất thiết thực, đều hướng đến nhu cầu của người học, đây là vấn đề Hội Nhà báo và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội luôn quan tâm để đổi mới.
Thời gian tới, bên cạnh các vấn đề chung về báo chí, Trung tâm sẽ đi sâu hơn về báo chí hiện đại, làm báo trong kỷ nguyên số. Tiếp tục đổi mới đưa các ứng dụng và các lớp bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ phóng viên, tăng cường hiệu quả các khóa học đáp ứng nhu cầu học viên, nhà báo trong quá trình chuyển đổi số báo chí.