Cuối năm 2018, trong khi xây nhà, gia đình ông Đàm Văn Chấm, thôn Nà Ma, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể tiến hành việc múc đất, san gạt đã vi phạm vào vị trí cột 44A. Qua kiểm tra hiện trạng, móng cột bị sụt lún xuống 1,5m theo hiện trạng ban đầu, cột điện bị gù và gãy tại ngọn cột, dây néo cột sát taluy âm không còn tác dụng.
Ngày 25/2/2019, gia đình ông Chấm tiếp tục múc đất vào gần chân cột điện đã làm móng cột sụt lún. Điện lực Ba Bể đã tiến hành tách điện đoạn đường dây không đảm bảo an toàn ra khỏi hệ thống vận hành, đồng thời thông báo cho UBND xã, gia đình ông Chấm và các hộ gia đình các biện pháp bảo đảm an toàn sử dụng điện theo quy định. Căn cứ vào các biên bản làm việc, gia đình ông Chấm đã xác nhận việc múc đất, san gạt làm sụt lún móng cột điện và nhất trí chi trả chi phí di chuyển cột điện đến vị trí mới để đảm bảo an toàn cho vận hành đường dây.
Ông Lê Văn Trung, Phó Giám đốc Điện lực Ba Bể cho biết: Đảm bảo an toàn hành lang các tuyến đường dây điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Điện lực Ba Bể quan tâm và tổ chức thực hiện. Song nỗ lực của ngành điện là chưa đủ, chúng tôi rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và các cấp chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bắc Kạn, năm 2018, số vụ vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp còn tồn tại là 37 vụ, sau xử lý vi phạm, đến tháng 4 năm 2019, số điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn lại 24 điểm.
Ông Lê Minh Khương, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Bắc Kạn cho biết: Dù đã giảm đáng kể nhưng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp trong Nhân dân nhưng vẫn còn phát sinh về khoảng cách an toàn hành lang lưới điện và khoảng cách pha-đất. Nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân về trách nhiệm đảm bảo an toàn hệ thống đường dây và trạm biến áp, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ mất an toàn lưới điện và công tác khắc phục sự cố lưới điện.
Theo đánh giá của Điện lực Bắc Kạn: Hiện nay, tại các khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và đặc biệt là rừng cấm quốc gia có hiện tượng vi phạm khoảng cách an toàn đường dây. Tuy nhiên, ngành điện rất khó thực hiện việc chặt tỉa, bởi lẽ muốn triển khai việc này phải xin phép qua nhiều cấp, ngành, nhiều thủ tục xin phép rất khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, do hồ sơ đền bù, hồ sơ cấp đất chân cột, cấp đất của công trình lưới điện không đầy đủ, người dân có đất nằm trong hành lang này có giấy chứng nhận quyền sự dụng đất nên xây dựng các công trình, trồng cây có chiều cao phát triển nên phát sinh các điểm vi phạm mới.
Để làm tốt công tác bảo vệ và giảm thiểu vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp, trong thời gian tới, Công ty Điện lực Bắc Kạn sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm thiểu các vụ vi phạm, trước mắt dự kiến xử lý vi phạm an toàn hành lang lưới điện tại 12 điểm có nguy cơ cao tại các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm…
Đặc biệt chú ý công tác kiểm tra định kỳ các tuyến đường dây và Trạm biến áp để kịp thời phát hiện các hộ gia đình làm nhà cơi nới vi phạm hành lang an toàn, vi phạm khoảng cách lưới điện tránh để xảy ra các sự cố và tai nạn đáng tiếc.
MINH THU