Thôn Đại Thành, xã Ea M’đroh, huyện Cư M'gar, có 86 hộ với hơn 445 khẩu; 100% là người Dao từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp sinh sống. Trong thôn có 32 người lao động ở các tỉnh phía Nam. Khi dịch bệnh bùng phát, mất việc làm, thôn có 10 lao động tự di chuyển bằng xe máy về về địa phương.
Theo chị Bàn Mùi Khe (sinh năm1987), Người có uy tín thôn Đại Thành, khi về địa phương, các lao động đều tự giác khai báo y tế, tự ra chòi rẫy, dựng lều hoặc ở trong những căn nhà hoang thực hiện cách ly đúng quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi các công dân địa phương lao động ở các tỉnh phía Nam trở về, nhiều người dân trong thôn chưa hiểu tỏ vẻ kỳ thị, xa lánh.
"Như trường hợp 2 bạn trẻ đi làm xa, lấy chồng miền Tây, khi đưa cả chồng về, nhiều người trong thôn đòi đuổi họ ra khỏi thôn. Tôi đã đến từng nhà gặp dân giải thích, bà con cũng hiểu ra vấn đề, không còn kỳ thị nữa. Đối với những người đang ở vùng dịch chưa được về, tôi xin số điện thoại từ gia đình nhắn tin động viên, an ủi”, chị Khe kể.
Để định hướng người dân tiếp nhận những nguồn thông tin chính thống, chị Khe lập nhóm Facebook “Người Dao thôn Đại Thành”, đăng tải thông tin tuyên truyền phòng chống dịch; quy định của Nhà nước; dẫn đường link cơ quan thông tin chính thống để người dân tiếp cận. Trong thôn có nhiều người lớn tuổi không dùng Facebook thì chị chia sẻ đến con, cháu để họ truyền lại cho cha mẹ, ông bà.
Nhờ định hướng thông tin đúng, cũng như chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch không tụ tập đông người, chỉ ra ngoài khi có việc cần, luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn mà đến nay thôn Đại Thành không có ca dương tính SARS-CoV-2, cũng không có F1.
Ngoài ra, chị Khe còn vận động người dân trong thôn chung tay hỗ trợ công tác phòng chống dịch, thôn Đại Thành đưa nhiều chuyến hàng gửi đến Ủy ban MTTQ xã Ea M’droh ủng hộ khu cách ly tập trung của xã và người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch.
Nhiều năm ở vị trí già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS, già Y Hai Ayun luôn được bà con đồng bào Ê Đê ở buôn Cư Blang, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) tôn kính. Già Y Hai cho biết: Cư Blang, xã Pơng Drang có gần 100% đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là người Ê Đê còn nhiều tập quán lạc hậu. Đặc biệt, chưa có thói quen đeo khẩu trang, rửa tay bằng sà phòng, tổ chức đám tang, cưới hỏi rườm rà…
Già cùng chính quyền địa phương, cán bộ buôn thường xuyên vận động bà con DTTS nêu cao cảnh giác, tích cực phòng chống dịch; Già còn đến từng nhà tuyên truyền bà con thực hiện đúng quy định phòng chống dịch của nhà nước. "Đến nay, việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay sát khuẩn đã thành thói quen. Trong đợt dịch bệnh bùng phát lần này, trên địa bàn xã có một số ca mắc nên người dân ở đây càng nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn. Bà con đã thích ứng với từng giai đoạn diễn biến của tình hình dịch bệnh cùng cả nước phòng chống dịch”, già Y Hai chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk có 49 thành phần dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào DTTS cao chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh. Năm 2021, Đắk Lắk có 1.021 người được công nhận là Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện các chính sách cho Người có uy tín theo quy định. Đây là sự động viên rất lớn giúp cho họ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 dưới nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, từng dân tộc. Ngoài chú trọng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở bằng nhiều thứ tiếng đồng bào DTTS thì, Đắk Lắk cũng đẩy mạnh phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, người tiêu biểu, Người có uy tín trong cộng đồng DTTS.