Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng trong dự thảo Luật chưa điều nào đề cập đến việc các tổ chức tín dụng nói chung hay ngân hàng thương mại nói riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Đại biểu, ở các nước phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất dễ dàng tiếp cận vốn vay, vì ngân hàng chỉ cần thuê tư vấn độc lập đánh giá dự án có khả thi hay không là có thể cho vay vốn và dùng chính dự án làm tài sản thế chấp. Còn ở Việt Nam, muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp ngoài dự án. Mà trong điều kiện bình thường, phải sau 3 đến 5 năm tích lũy mới có tài sản, tức là sau 5 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn vay.
Do đó, Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một điều về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp như các quốc gia khác trên thế giới.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã trình Quốc hội và cho biết, về quy định liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân, việc thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống ngân hàng đang có nhiều vướng mắc, khó khăn.
Theo Đại biểu, Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định chủ thể có quyền được biết về việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác. Chủ thể có quyền không đồng ý xử lý dữ liệu cá nhân của mình, có quyền xóa truy cập, yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu, phản đối xử lý dữ liệu trừ trường hợp có quy định khác.
Đại biểu cho biết, theo hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, toàn bộ các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu khách hàng nói chung, khách hàng cá nhân nói riêng được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ dưới luật.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cũng đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội trong chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Sự cần thiết và phù hợp của Nghị quyết 42, trong đó có các nội dung trên đã được báo cáo, đánh giá trước Quốc hội, Quốc hội đã cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023. Tại Nghị quyết 42, những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm bảo đảm công tác xử lý nợ xấu có cơ ở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế.
Theo Đại biểu, việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng, việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên. Đại biểu đề nghị giữ nguyên nội dung này như trong dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 6, để bảo đảm tính pháp lý và xử lý hiệu quả nợ xấu.