Thái Lan trở lại
4 ngày đầu tháng 12-2019 là khoảng thời gian khó quên nhất với những vận động viên (VĐV) cử tạ Việt Nam. Cả 10 đô cử tham gia tranh tài đều có huy chương (4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ). Thành tích đó giúp cử tạ Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn khi có bằng số HCV với Indonesia nhưng vượt trội về HCB (5 so với 1).
Vậy, với việc đứng nhất toàn đoàn ở SEA Games 30, liệu cử tạ Việt Nam đã đủ khả năng thống trị khu vực hay chưa? Câu trả lời là chưa. Trên thực tế, giải đấu tại Philippines 3 năm trước thiếu vắng Thái Lan, quốc gia thường xuyên thay phiên Indonesia giữ vị trí số 1 trong bộ môn cử tạ khu vực Đông Nam Á.
Nếu như Thái Lan thường tỏ ra mạnh vượt trội ở cử tạ nữ thì Indonesia lại có ưu thế với cử tạ nam. Thái Lan từng đào tạo không ít VĐV vô địch Olympic ở các hạng cân cử tạ nữ. Đáng tiếc cho các đô cử Thái Lan là 3 năm trước, họ không thể tranh tài ở SEA Games do vướng bê bối doping.
Việc Thái Lan không góp mặt ở SEA Games 30 vô tình tạo điều kiện cho cử tạ Việt Nam so kè với Indonesia trên bảng xếp hạng huy chương. 3/4 HCV đến từ các hạng cân cử tạ nữ cho thấy phần nào lợi thế của cử tạ Việt Nam. Ở những kỳ SEA Games trước đó, chúng ta chưa bao giờ giành nhiều hơn 2 HCV cử tạ.
Mọi thứ chắc chắn sẽ khác ở SEA Games 31, khi cử tạ Thái Lan chính thức trở lại thi đấu sau án phạt vì doping. Với truyền thống của một cường quốc cử tạ, Thái Lan sẽ mang đến những VĐV xuất chúng nhất. Đây là cách để họ khẳng định vị thế của mình và phần nào còn là lấy lại danh dự sau bê bối doping kéo dài nhiều năm liền.
Điều đáng sợ hơn cả về cử tạ Thái Lan là ở thời điểm này, chúng ta gần như không có thông tin gì về đối phương, nhất là các nội dung cử tạ nữ. Lần gần nhất các nữ đô cử Thái Lan tranh tài ở SEA Games đã diễn ra gần 10 năm trước, chính xác vào năm 2013. Ở thời điểm ấy, họ giành 3/5 HCV. Các VĐV nam Thái Lan giành 3/6 HCV, giúp xứ chùa tháp đứng nhất toàn đoàn.
Việc các nước chủ nhà bỏ cử tạ khỏi nội dung thi đấu SEA Games (năm 2015) hoặc chỉ tổ chức các hạng cân nam (năm 2017) khiến VĐV Thái Lan trở thành ẩn số tại SEA Games 31. Đây gần như là giải đấu lớn đầu tiên của cử tạ Thái Lan sau khi trở lại, thế nên họ sẽ tận dụng đấu trường Đông Nam Á làm bàn đạp để tên tuổi của mình sớm được ghi nhận.
Philippines tiến bộ thần tốc
Tại SEA Games 30, ở hạng cân 55kg nữ, đô cử Việt Nam Nguyễn Thị Thúy giành HCB với thành tích tổng cử 197kg. Người giành HCV nội dung này là Hidilyn Diaz của nước chủ nhà Philippines khi cô có thành tích tổng cử 211kg, hơn Thúy tới 14kg. Thành tích Diaz lập được còn cao hơn tổng cử của VĐV giành HCV nội dung 59kg.
Đến kỳ Olympic Tokyo vừa qua, Diaz giành HCV với tổng cử 224kg, phá kỷ lục giải đấu. Để chiếm lấy vị trí quán quân tại đấu trường Thế vận hội, Diaz đã vượt qua những đối thủ rất mạnh đến từ Trung Quốc và các nước Trung Á. Trước đó, ở Olympic Tokyo, cô cũng xuất sắc giành HCB. Ở một góc độ nào đó, có thể nói Diaz đã vượt xa đẳng cấp của một đô cử trong khu vực Đông Nam Á.
Nhưng, cử tạ Philippines không chỉ có một mình Hidilyn Diaz. Ở kỳ SEA Games 3 năm trước, họ đã trình làng không ít đô cử đáng chú ý như Kristel Macrohon, Elreen Ando hay Margaret Colonia. Họ được xem là thế hệ VĐV mới của cử tạ Philippines, đủ sức thay thế Hidilyn Diaz khi cô không còn ở phong độ đỉnh cao nữa. Với cử tạ nam, Philippines cũng có nhiều VĐV mạnh.
Một chi tiết đáng chú ý về cử tạ Philippines là họ đang giành nhiều thành tích ấn tượng trong bối cảnh điều kiện tập luyện không thực sự tốt như ý muốn. Trong thời gian phải giãn cách xã hội vì COVID-19, Hidilyn Diaz chỉ tập luyện ở nhà với các trang thiết bị thô sơ. Cô không có phòng gym hay máy tập chạy, mà chỉ thường xuyên tập nâng tạ tự chế là... 2 chiếc ba lô treo 2 đầu thanh tre.
"Thời gian trôi nhanh ngoài dự tính của mọi người", Diaz chia sẻ trên mạng xã hội trước thềm Olympic Tokyo. "Chúng tôi luôn tự hỏi không biết khi nào tình trạng tập luyện tạm thời này mới dừng lại và liệu Olympic có thực sự diễn ra suôn sẻ hay không. May là tôi luôn có nhiều cộng sự tốt, và tất cả cùng nhau tìm ra những phương pháp tập luyện sáng tạo".
Sự tiến bộ vượt bậc của cử tạ Philippines thời gian qua giúp họ nhanh chóng trở thành một đối trọng với Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Cộng thêm việc bộ môn cử tạ ở SEA Games 31 sẽ có tới 14 nội dung thi đấu, đây sẽ là cơ hội vàng để các đô cử Philippines chứng minh khả năng, đặc biệt là ở các hạng cân cử tạ nữ.
Với Diaz tiếp tục góp mặt ở SEA Games 31, cử tạ Philippines chắc chắn có HCV ở nội dung 55kg của nữ. Đồng đội của cô sẽ cạnh tranh quyết liệt ở những nội dung còn lại, nơi Philippines luôn sẵn sàng cho một cuộc lật đổ ở môn cử tạ. Khả năng họ sử dụng những VĐV nhập tịch cho môn thể thao sức mạnh này vẫn còn bỏ ngỏ nhưng không thể loại trừ.
Ai mang vàng về cho cử tạ Việt Nam?
Tại Olympic Tokyo, cử tạ là một trong những môn thi đấu đóng góp nhiều VĐV nhất cho đoàn thể thao Việt Nam. Nếu như Vương Thị Huyền không phải cắt suất tham dự Thế vận hội của mình cho Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên, Việt Nam đã có tới 3 đô cử dự Olympic. Đây đều là những VĐV giàu kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế, nhưng 2/3 số này sẽ không góp mặt ở SEA Games 31.
2 tháng trước, khi SEA Games 31 bắt đầu, Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền được xác nhận không tham dự giải đấu này. Lý do bởi bộ môn cử tạ xét tiêu chí tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games theo thành tích ở giải vô địch quốc gia diễn ra cuối năm 2021. Tuấn và Huyền không tham dự giải đấu này nên họ không có suất dự SEA Games.
Trong câu chuyện của Thạch Kim Tuấn, anh khó có thể giành HCV SEA Games khi ở chung hạng cân với một đối thủ quá mạnh. Eko Yuli Irawan đang là đương kim á quân Olympic và đô cử này tỏ ra vượt trội so với Thạch Kim Tuấn kể từ ngày bộ môn cử tạ điều chỉnh hạng cân mới 61kg. Đó là lý do bộ môn cử tạ quyết định "để dành" Tuấn cho ASIAD và tạo điều kiện cho các VĐV trẻ thi đấu SEA Games.
Về trường hợp của Hoàng Thị Duyên, cô vẫn chắc suất dự SEA Games 31 nhưng thể trạng nhiều khả năng không đạt phong độ tốt nhất. Tại Olympic Tokyo, cô đứng hạng 5 chung cuộc với thành tích tổng cử còn thua các thông số tại SEA Games 31. Việc này sau đó được lý giải do Duyên tái phát chấn thương đầu gối và có vẻ cô vẫn chưa hoàn toàn bình phục.
Những VĐV từng có thành tích tốt ở SEA Games 30 như Phạm Thị Hồng Thanh (HCV), Nguyễn Thị Vân, Đinh Xuân Hoàng, Phạm Tuấn Anh (HCB)... đều có cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch trên sân nhà. Tuy nhiên, xác suất để họ giành chiến thắng trước đô cử đến từ những quốc gia khác không thực sự cao.
Xuân Hoàng, Tuấn Anh còn khá lép vế trước các đối thủ Indonesia. Trong khi đó, Hồng Thanh hay Nguyễn Thị Vân có thực lực một chín một mười với các đô cử Philippines. Trong trường hợp của Hồng Thanh, việc cô giành HCV SEA Games 31 đã là kỳ tích khi đô cử này chinh phục thành công mức tạ 124kg ở nội dung cử đẩy, con số mà cô chưa bao giờ vượt qua ngay cả khi tập luyện.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, đô cử có nhiều khả năng mang về HCV cho cử tạ Việt Nam nhất là Lại Gia Thành. Ở kỳ SEA Games 3 năm trước, Gia Thành nhẹ nhàng về nhất với thành tích tổng cử 264kg, bỏ xa VĐV đứng thứ nhì tới 12kg. Chỉ cần tiếp tục giữ vững phong độ, việc bảo vệ thành công HCV SEA Games là mục tiêu khả thi với anh./.
Cử tạ Việt Nam đủ sức vô địch Olympic?
Trong quá khứ, cử tạ Việt Nam từng giành được huy chương ở đấu trường Olympic của đô cử Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008) và Trần Lê Quốc Toàn (London 2012). Ngoài ra, chúng ta có không ít VĐV đạt chuẩn A Olympic và tranh tài ở đấu trường Thế vận hội như Nguyễn Thị Thiết, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên... Đó là minh chứng cho thấy cử tạ Việt Nam đủ sức vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, liệu đó đã là giới hạn của cử tạ Việt Nam hay chưa?
"Nếu xét về tập luyện thì cử tạ Việt Nam không thua kém quá nhiều so với những quốc gia khác trong khu vực, cũng như trên thế giới", một VĐV chia sẻ. Người này nhận định đó là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm của cử tạ Việt Nam khi phần lớn thành tích dựa vào thực lực của bản thân VĐV mà không có đội ngũ hỗ trợ đi kèm.
Điều này hoàn toàn trái ngược với cử tạ Indonesia hay Thái Lan, khi VĐV thi đấu luôn có 3-4 trợ lý săn sóc. Mỗi đô cử sẽ có 1 HLV, 1 bác sĩ tâm lý, 1 chuyên gia trị liệu và 1 chuyên gia dinh dưỡng. Họ cùng nhau trở thành một đội ngũ, ê-kíp giúp VĐV mang về thành tích tốt nhất bằng việc tối ưu hóa khả năng của anh ta. Nhưng, với điều kiện của cử tạ Việt Nam hiện tại, các đô cử chưa thể đòi hỏi việc được hỗ trợ như vậy.
Việc hai đô cử Hoàng Thị Duyên và Thạch Kim Tuấn tái phát chấn thương, qua đó thi đấu dưới sức và mang lại kết quả không như ý ở Olympic Tokyo là minh chứng rõ nhất cho thấy điều kiện tập luyện ảnh hưởng đến thành tích VĐV. Trước thềm giải đấu, Duyên và Tuấn phải tập luyện trong khu cách ly nên họ không có thể trạng tốt nhất.