Về xã Cư Lễ, trên những đường ngang ngõ dọc, từ trục chính đến các lối xóm đều sạch sẽ hơn hẳn so với những năm trước. Ðưa chúng tôi đi khảo sát tình hình thực tế, ông Nông Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Cư Lễ cho biết: Trước đây xã chưa thực hiện thu gom rác thải tập trung, do đó rác được các hộ dân đổ tùy tiện hai bên đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan. Xác định vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, với phương châm “rác sinh ra từ đâu thì xử lý tại đó”, xã đã triển khai mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình. Mục tiêu là mỗi thôn có 1-2 lò đốt rác tập trung, mỗi gia đình tự đào 1 hố rác, đổ rác đúng nơi quy định. Ðể người dân hưởng ứng và tích cực triển khai thực hiện, cùng với việc tuyên truyền đến từng hộ dân, cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi đầu thực hiện, từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Không mất chi phí đầu tư, dễ thực hiện, mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình ở Cư Lễ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy được trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng. Ðến nay toàn xã có khoảng trên 60% số hộ gia đình có hố rác riêng, mỗi thôn có 1 lò đốt rác tập trung. Một số hộ liền kề có quỹ đất eo hẹp thì sử dụng chung hố rác. Sau một thời gian thực hiện mô hình xử lý rác thải hộ gia đình, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn xã được cải thiện rõ rệt. Qua đó, thay đổi ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung.
Vừa quét dọn, thu gom rác vào hố rác ở góc vườn, chị Nguyễn Thị Lê, thôn Khau Ngòa cho biết: Sau khi được các cán bộ xã vận động xây dựng hố rác, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong thôn đã bố trí diện tích đất phù hợp để làm hố rác với thể tích khoảng 1m3, chia làm 2 ngăn, một ngăn chứa các loại rác thải hữu cơ xử lý tại chỗ và có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng, còn rác thải vô cơ chứa trong ngăn còn lại để đốt. Còn ông Lâm Văn Chung, thôn Phja Khao chia sẻ: Trước đây, rác thải sinh hoạt của bà con hầu hết đều đổ xuống suối hoặc tiện đâu vứt đó. Vào mùa mưa thì trôi nổi, trời nắng bốc mùi hôi thối. Từ khi có chủ trương của xã về xây dựng mô hình xử lý rác thải hộ gia đình, tôi thấy yên tâm hơn về môi trường xung quanh. Bởi mỗi người dân đều có ý thức giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, không còn hiện tượng vứt rác thải bừa bãi khắp nơi như trước đây. Gia đình tôi cũng bố trí diện tích đất để làm hố xử lý rác thải, tự thu gom và phân loại rác. Mỗi tuần, tôi lại đốt rác từ 3-4 lần.
Song song với việc xây dựng hố rác gia đình, mỗi thôn, bản ở xã Cư Lễ còn thành lập một Tổ tự quản vệ sinh môi trường. Hằng tháng, các Tổ sẽ huy động người dân tập trung tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm ở khu vực quản lý. Từ đó góp phần thay đổi hành vi, thói quen vứt rác bừa bãi trước đây của người dân. Ðến nay, toàn xã đã thành lập được 14 Tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, bản.
HOÀNG QUÝ