Nâng cao hiểu biết pháp luật cho học sinh
Nhằm giúp các em học sinh trong các trường có thêm nhiều kiến thức về hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT), hiểu và thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình; Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện đã tham mưu cho UBND huyện Văn Lãng ban hành Kế hoạch số 2820/KH-UBND về thực hiện Tiểu dự án 2, Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG 1719 năm 2024.
Theo đó, Phòng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện đã phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền PBGDPL tại các trường phổ thông dân tộc bán trú THCS các xã trên địa bàn huyện Văn Lãng biết phòng ngừa TH-HNCHT liên quan đến các vấn đề về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số và Gia đình... nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tình trạng TH-HNCHT trong đồng bào DTTS. Cấp phát sổ tay tuyên truyền cho các đơn vị trường học và 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Chia sẻ về những gì đã học được từ buổi truyền thông về TH-HNCHT do Phòng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện tổ chức, em Hà Diệu Linh Đan, dân tộc Nùng, học sinh lớp 7 cho biết, khi được Báo cáo viên chia sẻ, em học được rất nhiều kiến thức liên quan đến giới tính; biết được các biện pháp phòng tránh xâm hại tình dục; tình yêu tuổi học trò… Qua đó, em nhận thức được TH-HNCHT là vi phạm pháp luật, nhiệm vụ của chúng em là tập trung học tập để có tương lai tốt đẹp hơn.
Theo cô giáo Chu Tố Uyên, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La cho biết, những năm qua, ngoài tham gia các buổi tuyên truyền do huyện tổ chức, Nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền nội dung về TH-HNCHT trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi học ngoại khóa. Do đó, trong suốt hơn 4 năm qua, Nhà trường không ghi nhận trường hợp nào bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng.
Theo Báo cáo của UBND huyện Văn Lãng, năm 2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học tổ chức được 250 cuộc, với 1.139 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 10.650 học sinh tham gia. Nội dung tuyền truyền tập trung vào các vấn đề về quyền con người; các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường, xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; Phòng, chống tác hại thuốc lá; bảo vệ môi trường…
Thực hiện tuyên truyền trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt lớp… được 120 cuộc, với 4.520 lượt người tham gia; tuyên truyền lồng ghép qua các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ, Hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp... được 1.220 tiết. Treo 200 khẩu hiệu, pa nô tuyên truyền về phòng chống pháo nổ, an toàn giao thông. Cấp phát trên 4.000 tờ rơi về phòng chống pháo nổ; hiện nay 100% trường học đều có Tủ sách pháp luật và có trên 500 đầu sách các loại.
Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện: tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử phạt vi phạm hành chính, an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, phòng chống các tệ nạn xã hội, an toàn thực phẩm, phòng, chống xâm hại trẻ em, Luật thanh niên…
Phối hợp với Công an huyện Văn Lãng tuyên truyền được 9 cuộc về trật tự an toàn giao thông đường bộ, về đảm bảo an ninh trật tự; quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, phòng chống bạo lực học đường. Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức được 01 buổi diễn đàn “Nâng cao hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình,…
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL trong trường học, giúp học sinh hiểu biết pháp luật ngay trong ghế nhà trường, những năm qua, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS, huyện Văn Lãng đã tận dụng nguồn lực từ các Chương trình MTQG và các chính sách khác, để đa dạng các hình thức tuyên truyền, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật của cán bộ và người dân trên địa bàn để mọi cán bộ, người dân biết và phối hợp thực hiện.
Các hình thức tuyên truyền được huyện Văn Lãng triển khai thực hiện có hiệu quả như: hình thức tuyên truyền miệng, hình ảnh trực quan; hình thức tuyên truyền bằng phương tiện thông tin đại chúng và hình thức khác; PBGDPL thông qua phiên toà xét xử lưu động; xây dựng Câu lạc bộ (CLB) pháp luật;…
Theo đó, từ Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 và các Chương trình MTQG khác, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên phụ nữ và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, phổ biến các Luật, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em; phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, công giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện... được 179 cuộc/11.246 lượt người nghe, trên nhóm Zalo, Facebook 3.683 lượt theo dõi. Phối hợp các ngành tổ chức 10 hội nghị truyền thông, tuyên truyền, vận động, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em…
Trong năm 2024, Tòa án Nhân dân huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 3 phiên tòa lưu động tại các địa bàn xảy ra vụ án, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới thu hút 236 lượt người tham dự. Thông qua phiên tòa xét xử lưu động trực tiếp, đã góp phần truyền tải các quy định của pháp luật đến với người dân, góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn, đồng thời giáo dục cộng đồng nhận thức được sự nghiêm minh và thượng tôn pháp luật.
Huyện Văn Lãng đã chỉ đạo các phòng ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn quan tâm xây dựng và duy trì hoạt động của các CLB “Nông dân với pháp luật” (15 CLB với 287 thành viên); “CLB hòa giải ở cơ sở” xã Hoàng Việt; CLB “Nông dân với pháp luật” và “Tổ tự quản về an ninh, trật tự” tại thôn Đâng Van, xã Thanh Long. Phòng Tư pháp phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức thành lập 6 CLB Nông dân với pháp luật tại 6 thôn thuộc các xã: Hoàng Văn Thụ, Thành Hòa, Hồng Thái, Hoàng Việt, Bắc Việt, Tân Mỹ…
Đặc biệt, huyện Văn Lãng đã phát huy tốt vai trò của Người có uy tín trong công tác PBGDPL. Theo đó, Người có uy tín đã chủ động phối hợp cùng các ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác, đấu tranh tội phạm, cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần giúp cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; phối hợp với chính quyền cơ sở giải quyết nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…
Có thể thấy, huyện Văn Lãng đã quan tâm tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong vùng đồng bào DTTS; góp phần đưa các xã vùng III, các thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.