Cụ thể, ngày 27/4/2018, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã mật phục bắt quả tang 2 xe tải vận chuyển hàng chục khối gỗ quý hiếm ra khỏi Vườn quốc gia Yok Đôn (giáp ranh hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông). Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ hàng chục lâm tặc, trong đó có Phượng "râu". Các đối tượng này bị bắt về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo điều 232 Bộ luật Hình sự 2015.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao sự việc bắt một trùm gỗ lậu lại khiến dư luận “rúng động” đến như vậy? Song có lẽ, chỉ cần nhìn vào việc các lực lượng theo dõi và bắt giữ Phượng “râu” đều là các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an (lực lượng của C49, C44, cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm Bộ Công an) cũng đã phần nào cho thấy tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vụ án.
Bởi, trước khi bị bắt nhiều năm, việc Phượng "râu" ngang nhiên khai thác, vận chuyển một lượng gỗ cực lớn từ Vườn quốc gia Yok Đôn, sát Đồn Biên phòng 747 (xã Krông Na, Buôn Đôn, Đăk Lăk) theo Quốc lộ 14C về Cư Jut (Đăk Nông) qua nhiều đồn biên phòng, chốt bảo vệ rừng khác… mà không hề bị phát hiện.
Rõ ràng, vụ án Phượng “râu” chính là điển hình của tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” mà lâu nay dư luận vẫn thường hay nhắc đến. Chưa nói chuyện có hay không việc các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ rừng có tiếp tay cho Phượng “râu” hay không vì vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Song có một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng đã có sự buông lỏng trong công tác quản lý của các đơn vị có trách nhiệm bảo vệ rừng tại địa phương xảy vụ việc suốt nhiều năm ròng.
Và khi trùm gỗ lậu bị bắt, một loạt các đơn vị liên quan trách nhiệm như kiểm lâm, biên phòng, Vườn quốc gia Yok Đôn… mới ráo riết vào cuộc điều tra kiểm đếm… trách nhiệm. Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng gỗ bị khai thác, diện tích rừng bị tàn phá là không thể phục hồi, cứu vãn.
Vậy nên, qua sự việc “con voi chui lọt lỗ kim” này mới thấy rằng, dù việc đóng cửa rừng được Thủ tướng Chính phủ chỉ thị quyết liệt nhiều năm nay nhưng tình trạng “trên nóng”, “dưới lạnh” vẫn tiếp diễn. Chẳng trách, khó giữ rừng!
MẠNH HÀ