Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của thầy và trò nơi vùng cao gian khó này.
Xã biên giới Tá Bạ, huyện Mường Tè có trên 90% là đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống. Học sinh ở đây chủ yếu là con em hộ nghèo, sống phân tán tại các bản xa nên việc tới trường để theo con chữ của các em gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, các thầy, cô giáo tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tá Bạ vẫn cố gắng động viên và chăm lo cho các em.
Không chỉ là kiến thức, mà từng bữa cơm của các em cũng được nhà trường cố gắng đủ đầy để bảo đảm về thể chất, đáp ứng cho việc học tập.
Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô và trò lại cùng nhau tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn bán trú. Cũng nhờ vậy mà các em có thêm nhiều kỹ năng sống, gắn bó với trường, với lớp và phấn đấu vươn lên trong học tập.
Tuy nhiên, có những khó khăn khách quan mà cả thầy và trò nơi đây đành “bất lực” khó có thể khắc phục đó là điều kiện cơ sở trường lớp học còn quá khó khăn, cũ nát. Ở ngôi trường này, phòng học kiên cố nhất cũng chỉ được vây bạt, lợp tôn, chắp vá tạm bợ.
Thầy giáo Lê Hoài Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tính đến thời điểm này, nhà trường chưa được đầu tư xây dựng một hạng mục nào mới cả, các phòng học hầu hết tạm bợ. Những ngày nắng ráo còn đỡ chứ những ngày đông giá rét, gió lùa tứ phía, nhìn các em học sinh co ro ngồi học mà rớt nước mắt.”
“Để khắc phục phần nào những khó khăn, nhà trường vận động các thầy cô giáo chia sẻ, đóng góp cả về tinh thần và vật chất như một số thiết bị trong trường, rồi trang bị các trò chơi, các đồ dùng, ghế đá, chòi thư viện ngoài trời để các em học sinh thực hiện tốt các hoạt động khác”, thầy Phương thông tin thêm.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà, xã Tà Tổng trường lớp thiếu thốn, xuống cấp cũng trong tình trạng đáng báo động. Tại điểm trường chính có tất cả 11 phòng học tạm phục vụ cho cả hai cấp học.
Thầy giáo Nguyễn Long Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để khắc phục, Nhà trường phải phân 8 lớp THCS học buổi sáng, 8 lớp tiểu học buổi chiều. “Mặc dù là trường bán trú, nhưng hiện tại nhà trường vẫn chưa có nhà ăn, bếp nấu nên trường phải mượn tạm hiên nhà dân, gầm sàn để làm chỗ nấu, chỗ ăn cho các em học sinh.
Cả trường tính ra có hơn 300 người tính cả thầy và trò chung nhau một nhà vệ sinh làm tạm, còn tắm giặt thì đành phải ra suối… ”, thầy Khánh chia sẻ.
Theo thống kê hiện nay, huyện Mường Tè còn hàng trăm lớp học tạm bợ, xuống cấp cần được đầu tư. Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè cho biết: Khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp học của Mường Tè đang là bài toán khó của ngành Giáo dục huyện.
Mường Tè là một trong những huyện có địa bàn rộng nhất của tỉnh Lai Châu, đường sá đi lại khó khăn, đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, nên việc đóng góp xây dựng trường lớp là “lực bất tòng tâm”.
Nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện cho giáo dục thì có hạn nên Phòng rất cân nhắc những nơi nào trường lớp học cũ nát nhất thì ưu tiên làm trước. “Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có đủ cơ sở vật chất đáp ứng cho việc dạy và học hai buổi trên ngày.
Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm quan tâm đầu tư trường, lớp học, và hệ thống nhà ở bán trú cho các trường học trên địa bàn”, bà Ly mong muốn.
TRỌNG BẢO