Những câu chuyện như “huyền thoại”Mặc dù nghề đi săn đã không còn tồn tại trên hòn đảo ngọc xinh đẹp, nhưng những câu chuyện về nghề đi săn, về sự cộng tác đắc lực, trung thành của chó Phú Quốc với những tay cung cự phách thì vẫn lưu truyền như một kỷ niệm đẹp trong lòng người dân.
Ông Huỳnh Văn Chín (SN 1953- Khu Tượng, xã Cửa Dương), từng là thợ săn “vang bóng một thời” ở Phú Quốc cho biết: Chó Phú Quốc là nỗi khiếp đảm của mọi con mồi. Chó Phú Quốc có thể săn được heo rừng, nai to lớn hơn chúng nhiều lần. Điểm độc đáo ở đây là, dù không được đào tạo, huấn luyện bài bản, nhưng chúng có những bản năng săn mồi rất đa dạng, tinh khôn. Chó Phú Quốc không chỉ biết tấn công vị trí hiểm nhất của con mồi, mà còn mưu trí phân công, dàn thế trận để khống chế con mồi rồi sủa lên cho chủ tới xử lý.
Cho đến bây giờ ông Chín vẫn nhớ một kỷ niệm trong đời đi săn. Đó là trong một lần gặp phải heo nanh (heo rừng già, có nanh) khoảng 50kg. Một mình con chó Phú Quốc thì không thể chiến đấu với heo rừng. Nhưng chúng đã biết gọi đồng bọn triển khai thế trận. 2 con đực to nhất đàn kè 2 bên gò má con mồi vừa cắn vừa sủa, 1 con chạy trước mặt sủa liên tục như để trấn áp tinh thần, con đầu đàn chỉ chạy bên ngoài, vừa đôn đốc 3 con chó giữ khoảng cách hợp lý, vừa dùng miệng cắn bỏ cây cỏ dọn chướng ngại vật xung quanh”. Với thế trận như gọng kìm đó, con heo rừng đã phải “đầu hàng” và trở thành chiến lợi phẩm của đàn chó.
Còn ông Võ Công Minh (SN 1941) ở Bến Tràm, xã Bãi Thơm cũng từng là một tay săn có tiếng chia sẻ về ký ức cũ: Đàn chó của ông không chỉ khôn ngoan mà còn là một cộng sự rất trung thành và “biết điều”. Mỗi lần tự săn mồi xong, chúng đào lỗ chôn (tránh thú khác lấy xác) mới chạy về sủa, dẫn chủ đến mang về”. Theo ông Minh, cái hay là chúng tuyệt đối không bao giờ dám “ăn cơm trước kẻng”. Chủ cho ăn gì thì chúng mới dám ăn thứ đó.
Là “thợ săn” khét tiếng, nhưng những chú “khuyển vương” Phú Quốc là một loài vật “giàu tình cảm” với con người. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng người Phú Quốc vẫn lưu truyền câu chuyện xả thân cứu chủ của con chó tên Chiến.
Chuyện rằng, trong một lần dẫn chó đi săn ở rừng Vồ Đình, ông Tư Bành bất ngờ gặp con rắn hổ mây to như bắp chân đang giương đầu lên... Kinh nghiệm đi săn cho ông biết, con rắn sẵn sàng “ăn tươi nốt sống” người đã xâm phạm lãnh địa của chúng. Lúc đó, ông đã tháo chạy, nhưng nghe tiếng cây cỏ loạt soạt phía sau lưng, ông đã nghĩ đến tình huống xấu nhất.
Nhưng không. Có lẽ nhận ra sự nguy cấp của chủ, bất chấp sự to lớn của con mãng xà đang vô cùng hung hãn, con chó của ông (tên Chiến) đã lấy thế rồi nhắm yết hầu con rắn mà cắn. Bị tấn công bất ngờ, con rắn hướng mục tiêu sang con Chiến. Nhờ đó mà ông Bánh thoát chết, nhưng con Chiến ra đi trước sự bộc phát quá mạnh của nọc rắn.
“Người bạn” của Đồn Biên phòngKhông chỉ được người dân thương yêu, những chú chó Phú Quốc rất được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên đảo quý mến. Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chia sẻ: “Tuy chưa phải là chó nghiệp vụ theo quy định, nhưng nhiều Đồn Biên phòng trên vùng biển Kiên Giang vẫn gắn bó với những chú chó Phú Quốc như “người bạn” thân thương với nhiều câu chuyện cảm động”. Đến các Đồn Biên phòng ở Thổ Châu, Gành Dầu, Xà Lực (Phú Quốc), sẽ được nghe nhiều câu chuyện cảm động về người bạn “khuyển vương” Phú Quốc sống có nghĩa, có tình với người lính.
Thiếu tá Dương Thanh Hoàng, Chính trị viên phó Đồn Gành Dầu kể: “Thời làm chỉ huy Đồn Gành Dầu, Đại tá Đinh Hữu Hoan (nay là Phó Chính ủy Hải đoàn 28- BĐBP Kiên Giang) rất thích nuôi chó và có con mực rất khôn. Mỗi khi thấy lực lượng tuần tra chuẩn bị quân trang, quân khí đi làm nhiệm vụ là nó chạy ra trước cổng chờ sẵn. Khi xác định lực lượng đi hướng nào, nó liền chạy theo “tháp tùng” đoàn.
Đồn Biên phòng đảo Thổ Châu, cách Phú Quốc hơn 100km có 9 chú chó. Những chú chó này đã phát huy vai trò như là những người “lính gác” rất nghiêm khắc. Thiếu tá Trịnh Thanh Bình, Trạm phó Trạm Biên phòng Bãi Dong cho biết, đàn chó được các chiến sĩ huấn luyện cứ 2 con là gác chung 1 ca, đến khi nào nhìn thấy đôi khác vào thay mới chịu rời vị trí. Khi thấy người lạ vừa bước vào “vùng cấm”, một con chạy sâu vào Ban Chỉ huy tìm người, con còn lại vừa sủa, vừa giữ chân không cho người lạ tiến lùi nửa bước, rồi ngoặm vào ống quần lôi xuống, bắt ngồi ghế chờ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xà Lực, không quên câu chuyện đầy cảm động về tình cảm của con chó tên Vện với những người lính nơi nơi đây. Trung tá Danh Đồng, Chính trị viên phó Đồn Xà Lực bồi hồi: Lần đầu ra đây nhận nhiệm vụ, tôi cứ lo sẽ mất nhiều thời gian tìm đường đến đơn vị. Tuy nhiên khi tàu vừa cập bến, một ông lão đã gọi tôi lại nói ngay: “Chú mới ra Đồn phải không? Đi theo con Vện nhé... Chưa kịp hiểu, thì đã thấy con chó xoáy lưng với màu lông rằn ri như cọp ngoe nguẩy cái đuôi rồi từ từ đi trước.
Chỉ một lúc theo sau, tôi đã tới Đồn”. Đặc biệt, khi chuyện con Vện chết đã để lại trong toàn đơn vị niềm xúc động mạnh. “Con Vện do Đồn trưởng Cao Như Sơn mang về nuôi, sau đó anh Sơn chuyển công tác. Vậy mà trước lúc lìa đời, con Vện đã tìm đến phòng làm việc của vị Đồn trưởng năm xưa để trút hơi thở cuối cùng”. Cả đơn vị xúc động và mang xác con Vện đi chôn”, giọng Trung tá Đồng đầy cảm xúc.
HẠNH NGUYÊN