Kết thúc 120 phút thi đấu của trận tứ kết U23 Việt Nam – U23 Iraq, khi đang tiến hành kiểm tra phía sau cầu môn để chuẩn bị cho loạt sút luân lưu 11m, một nhân viên của AFC đã quay ra nói với phóng viên: “What a game” (Thật là một trận đấu kịch tính).
Nhân nhắc tới AFC lại phải kể thêm rằng vì giải U23 châu Á là sự kiện bóng đá mang tầm quy mô châu lục do AFC tổ chức nên mọi việc được tiến hành rất quy củ, chặt chẽ, phóng viên được tạo điều kiện tối đa để tác nghiệp song không ai được phép vượt quá giới hạn do AFC quy định.
Chẳng hạn khi hiệp phụ thứ 2 dần trôi về những phút cuối, nhân viên truyền thông AFC đã tìm tới chỗ các phóng viên Việt Nam để thông báo vị trí của bên cầu môn sẽ được chọn để tiến hành loạt sút luân lưu 11m. Chỉ có các phóng viên ảnh mới được ở dưới sân để theo dõi loạt sút này nhưng không ai được đứng ngay sau cầu môn mà phải đứng chếch sang 2 bên.
Khi được tận mắt chứng kiến loạt sút luân lưu 11m, chúng tôi càng nhận thấy rất rõ ràng cầu thủ cả 2 bên đều phải chịu áp lực rất nặng nề, và quãng đường từ giữa sân, nơi các cầu thủ tập trung, cho tới chấm phạt 11m là một hành trình tuy không dài nhưng thực sự có thể bóp nghẹt những trái tim yếu đuối.
Theo tiết lộ của trung vệ Bùi Tiến Dũng, danh sách các cầu thủ sút phạt 11m của U23 Việt Nam gồm cả những người được chỉ định và những người tự nguyện xung phong, nhưng điểm đáng chú ý là người sút quả 11m đầu tiên và quả 11m cuối cùng trong 5 loạt sút của U23 Việt Nam đều là các hậu vệ.
Đây là một lựa chọn ít thấy với các HLV Việt Nam, bởi quan niệm chung của giới chuyên môn đều cho rằng đa số các hậu vệ thường không mạnh về phẩm chất kỹ thuật, mà sút luân lưu 11m có yêu cầu rất cao về kỹ thuật và tâm lý, nên nhiều HLV thường ưu tiên ghi tên tiền vệ và tiền đạo vào danh sách sút phạt 11m.
Tuy nhiên, HLV Park Hang Seo có tư duy khác hẳn và những con người mà ông đang có ở U23 Việt Nam cũng sở hữu những phẩm chất rất khác, nên Văn Thanh và Tiến Dũng đã được chọn, hoặc tự chọn, cho 2 quả 11m có ý nghĩa quan trọng nhất.
Văn Thanh và Tiến Dũng đều xuất thân từ những lò đào tạo nổi tiếng về phẩm chất kỹ thuật là HAGL Arsenal JMG và Viettel nên việc thực hiện chính xác một cú sút 11m không phải là thử thách quá lớn với họ, nhưng với thử thách trên chấm 11m thì kỹ thuật đôi khi chỉ là một phần, mà phần quan trọng hơn cả chính là tâm lý.
Thực tế cho thấy Văn Thanh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở lượt sút đầu tiên, khi anh bình tĩnh thực hiện cú bẻ lòng chân phải rất cơ bản vào góc xa, khiến thủ môn Ahmed Basil của U23 Iraq tuy đoán đúng hướng và thậm chí còn suýt chạm tay vào bóng nhưng vẫn không thể cản phá.
Còn Tiến Dũng lại là một trường hợp khác, khi trung vệ này có sẵn tố chất thủ lĩnh và thường xuyên nhận trách nhiệm thực hiện những cú sút phạt 11m ở CLB Viettel nên khi đứng trước chấm penalty Tiến Dũng tỏ ra rất “tin chân”, dù anh thừa nhận rằng anh đã phải trải qua cảm giác “rất khó tả”.
Và điều đáng nói là trong hoàn cảnh gần như cả SVĐ Changshu đều chỉ đổ dồn mọi cặp mắt vào đôi chân của Tiến Dũng thì trung vệ này lại thực hiện cú sút penalty theo kiểu không dành cho những người yếu tim, khi Tiến Dũng làm động tác giả rồi sút vào chính giữa khung thành, giống như cái cách mà đội trưởng Rehan Bashar của U23 Iraq đã định đánh lừa thủ môn Tiến Dũng nhưng bị thất bại ở loạt sút đầu tiên.
Phải nói rằng nếu không sở hữu thần kinh bằng thép thì không nhiều cầu thủ dám thực hiện cú sút 11m theo cách của Tiến Dũng ở thời điểm mang tính chất quyết định như thế, và điều đó cho thấy U23 Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với chiến thắng trước U23 Iraq khi sở hữu trong đội hình những cầu thủ vừa có phẩm chất kỹ thuật ổn định, đồng thời lại có tâm lý cực vững như Văn Thanh, Xuân Trường, Quang Hải, Đức Chinh hay Tiến Dũng./.
Theo vov