Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì, tổ chức truyền thông, phổ biến, giáo dục, vận động đồng bào DTTS và miền núi thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới (BĐG); chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đào tạo cán bộ truyền thông giỏi tiếng dân tộc để phát huy hiệu quả truyền thông; tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu BĐG.
Mục tiêu đến năm 2025 và 2030, tỉnh Kon Tum phấn đấu đạt: 100% sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm; phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về BĐG của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng 10 - 15% so với năm 2025; đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; đến 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, công tác truyền thông về BĐG trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục được triển khai với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trọng tâm là Dự án 8 thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.