Ví dụ như cách đây không lâu, hàng trăm người dân ở huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang rơi vào cảnh tán gia bại sản do vay tín dụng đen. Nguồn cơn là trước đó, người dân nghèo trong lúc túng bách không biết xoay xở thế nào đã được các đối tượng dụ dỗ “cho” vay không cần thế chấp. Cứ 5 triệu, sau 1 tháng người dân phải trả 6 triệu, vay 15 triệu trả 18 triệu… Nhưng nếu không trả được, thì khoản vay 5 triệu đồng 1 tháng sẽ phải trả lãi 950.000 đồng, cao gấp 38 lần lãi suất cho vay thông thường của Ngân hàng Chính sách xã hội; cao gấp 18 lần so với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.
Hay như trước đó, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải bài viết: “Cho vay phân bón, gán nợ đất đai” . Dưới chiêu bài ngon ngọt “hỗ trợ” đồng bào DTTS trong lúc túng thiếu vay phân bón, các đối tượng này đã buộc người dân bán dần đất đai cho mình…
Hiện nay, trong xã hội, hiện tượng nhiều kẻ cơ hội “núp bóng” người tốt giả vờ giúp đỡ người khó khăn không còn hiếm. Ban đầu, họ tỏ ra ân cần, săn sóc, thậm chí nhử mồi câu người túng quẫn. Nhưng sau đó, sự đòi hỏi của nhóm đối tượng này cũng ráo riết không kém. Mặc dù cũng là cho, nhưng họ đâu có cho không mà ngược lại còn ép buộc người khác lệ thuộc vào mình và trả một cái giá không hề nhỏ.
Từ thực tế phổ biến này, đòi hỏi người dân cần tỉnh táo hơn. Dù là rơi vào khó khăn nhưng cũng không nên “vơ bèo vợt tép” . Không phải đối tượng nào “buông lời” giúp đỡ là nhận lời ngay. Cũng cần nhìn nhận đánh giá mức độ chân thành, động cơ, mục đích, cách thức giúp đỡ của họ.
Xét ở góc độ xã hội, chúng ta luôn trân quý những con người luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ đồng loại nhưng phải thực sự vô tư trong sáng. Còn những đối tượng cơ hội trục lợi khi người khác gặp khó khăn thì thật đáng chê trách, cần phải lên án, phê phán thậm chí xử lý nghiêm khi vi phạm pháp luật.
KẺ SĨ