Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 26/8, đã có 192.015.663 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.179.932 ca bệnh đang điều trị, có 18.066.903 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 113.029 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 160.142 ca nhiễm mới, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (46.397 ca) và Iran (39.983 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.232 ca, sau đó là Indonesia (1.041 ca) và Mexico (940 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 68.587.195 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 26/8, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 273.497 ca nhiễm mới và 4.732 ca đã tử vong do COVID-19. 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 32.557.767; 6.273.681 và 4.796.377 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong cao nhất là Ấn Độ (436.396 ca); Indonesia (129.293 ca) và Iran (104.022 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 144.606 ca nhiễm và 1.583 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 54.599.873 ca nhiễm mới và 1.164.449 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Pháp và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 6.804.910; 6.673.336 và 6.590.747 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Đồng thời, Nga cũng là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 178.423 ca, sau khi ghi nhận thêm 809 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (132.003 ca) và Italy (128.914 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 46.923.727 ca, trong đó có 980.903 ca tử vong và 37.153.385 ca được điều trị khỏi. Với 39.145.654 ca nhiễm và 649.625 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 3.249.878 và 1.477.371 ca nhiễm, cùng 254.466 và 26.851 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 40.960 ca nhiễm và 1.096 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 36.719.325 ca và 1.124.251 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 30.529 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 6.994 ca và Colombia với 2.448 ca. Cùng với đó, với 816 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 160 ca tử vong mới và Colombia với 86 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 26/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.686.733 ca, trong đó có 192.117 ca tử vong và 6.767.428 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.722.202 ca nhiễm và 80.469 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 13.251 ca nhiễm mới và 516 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 829.137 và 647.483 ca nhiễm bệnh cùng 12.079 và 22.860 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 153.020 ca nhiễm (tăng 1.056 ca) và 1.993 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 2 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 993 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 46.743 ca, trong đó 986 ca tử vong (tăng 2 ca).
Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, như biến thể Delta đang hoành hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự lây lan của biến thể Delta đang là mối đe dọa với nhiều nước thế giới khi số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng. Hiện hầu hết các nước đều mong muốn đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, trước khi các biến thể mới có khả năng xuất hiện và gây ra làn sóng dịch bệnh mới, trong nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới.
Ngoài việc tìm kiếm các nguồn cung vaccine, các nước cũng đang chạy đua với thời gian tiến hành thử nghiệm và phát triển các loại vaccine mới đạt hiệu quả cao phòng ngừa COVID-19. Hãng dược Pfizer thông báo công ty đang phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu đặc biệt để đối phó với biến thể Delta./.