Cao Bằng là tỉnh miền núi với trên 94% dân số là đồng bào DTTS. Thực tế cho thấy, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn vẫn diễn ra. Một số trẻ em ở độ tuổi 13 - 15 đã lấy vợ lấy chồng hoặc bị bố mẹ ép gả khi các em vẫn muốn đến trường.
Nguyên nhân của tình trạng này là do những quan niệm, thành kiến, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu trong nhận thức của đồng bào DTTS từ nhiều đời nay. Nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn, nhiều người DTTS lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm và giữ của cải trong nhà, trong khi việc thiếu trang bị kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, trách nhiệm của của chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết, chưa quyết liệt.
Trường hợp của cặp vợ chồng Bàn Phụ Và – Hoàng Mùi Chuổng (dân tộc Dao, trú tại xã Bình Lãng, huyện Thông Nông, Cao Bằng) là một câu chuyện buồn về thực trạng tảo hôn. Thời điểm kết hôn, Và 17 tuổi, còn Chuổng chỉ mới 15. Do còn quá trẻ để tự lập, nhất là sau khi có con đầu lòng, cặp vợ chồng trẻ mãi loay hoay với kế sinh nhai. Về ở với nhau, không có công việc ổn định, hằng ngày Và đi làm thuê kiếm gạo, kiếm rau qua ngày. Vợ chồng Và, Chuổng vẫn thuộc diện hộ nghèo của xóm Lũng Vài.
Cặp vợ chồng Và, Chuổng chỉ là một trong số những cặp vợ chồng đã lấy nhau khi chưa đến tuổi kết hôn. Việc kết hôn, sinh con sớm trong độ tuổi vị thành niên đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong ở trẻ nhỏ. Hôn nhân cận huyết thống còn gây ra những hậu quả nặng nề do trẻ sinh ra mắc những căn bệnh như: dị tật, tan máu bẩm sinh…
Trước thực trạng này, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, tăng cường nhiều giải pháp thông tin truyền truyền với nhiều nội dung, hình thức sáng tạo. Cụ thể: chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về chủ đề này, nhằm lan toả thông tin, góp phần đẩy lùi hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện tổ chức 29 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân; tổ chức các hội nghị tập huấn công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại 3 huyện: Hạ Lang, Trùng Khánh, Thạch An với 410 đại biểu tham dự; Đưa đoàn đại biểu tham dự lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.
Em Châu Văn Vừ, dân tộc Lô Lô (trú tại xóm Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), một trong những thanh niên được tham gia lớp tập huấn về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống do Ban Dân tộc tổ chức, chia sẻ: “Thông qua các buổi tuyên truyền của các cấp chính quyền, thế hệ trẻ chúng em đã nắm bắt được quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn cũng như hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Tảo hôn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các cặp vợ chồng, đặc biệt là người phụ nữ, con sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh, hay ốm đau, suy dinh dưỡng. Không chỉ vậy, các gia đình trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, hay xảy ra mâu thuẫn do thiếu kinh nghiệm sống, thiếu điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe và ít có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi, giải trí... Bản thân em sẽ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kết hôn, đồng thời sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè, bà con xóm không được tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần xây dựng cộng đồng khoẻ mạnh”.
Không chỉ tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, tổ chức hội nghị nâng cao kỹ năng tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mà Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng còn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 18 cuộc nói chuyện chuyên đề về chính sách dân số giai đoạn hiện nay. Tổ chức 14 buổi ngoại khóa giáo dục truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 1.041 học sinh lớp 8, lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện in ấn, cấp phát 18.000 tờ rơi với nội dung về những hiểu biết đầy đủ để có hành động đúng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho đối tượng là học sinh, thanh niên và người dân vùng DTTS và miền núi. Đáng chú ý, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với 8 huyện lựa chọn địa điểm lắp đặt 18 pa nô tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trung tâm các xã đặc biệt khó khăn. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh Cao Bằng sẽ dành hơn 3,1 tỷ đồng cho công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: Năm 2022, toàn tỉnh có 3.801 cặp kết hôn, trong đó, 207 cặp tảo hôn, chiếm 5,5%, giảm 54 cặp so với năm 2021. Công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện, xã, thôn, xóm có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao xảy ra tình trạng này được tăng cường, thực hiện dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung. Một số xóm đã đưa quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, qua đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh...