Ngày 8/1, Cục Báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn đề nghị Tổng Biên tập Báo Lao động chỉ đạo làm rõ vụ phóng viên miệt thị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê. Đồng thời, đề nghị Báo Lao động xử lý theo quy định và báo cáo Bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương về sự việc trên.
Nhận thức được lời phát ngôn mang tính miệt thị, xúc phạm tới Tân Hoa hậu H’Hen Niê của mình trên Facebook là sai, nhà báo ĐT đã làm tường trình gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như cơ quan nơi nhà báo đang làm việc. Đồng thời đăng một bức thư ngỏ trên Facebook chính thức xin lỗi Hoa hậu H’Hen Niê và cộng đồng mạng.
Trường hợp của nhà báo ĐT không phải là hi hữu, thời gian qua, từ trang Facebook cá nhân, không ít nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nghệ sĩ… đã tự cho mình cái quyền được phát ngôn “lộng ngôn”, quy chụp hoặc dẫn thông tin, hình ảnh sai sự thật gây ra sự tổn thương, làm mất uy tín, danh dự cho không ít các cá nhân, tập thể.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, ở Việt Nam, ước tính có khoảng 64 triệu người dùng mạng xã hội, đứng thứ bảy thế giới về số người dùng Facebook. Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia. Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Luật An ninh mạng đã được Bộ Công an trình để xin ý kiến Quốc hội. Dự luật này sẽ tiếp tục được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 sắp tới.
NGỌC ÁNH