Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá mạng lưới trường, lớp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt các trường vùng DTTS. Còn đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) kiến nghị, một là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập cho học sinh DTTS trước đây đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp học sinh DTTS giảm bớt những khó khăn. Nhưng rất tiếc chương trình này không còn nữa, cử tri vùng đồng bào DTTS mong muốn Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ có những chính sách mới.
Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) cho rằng: Hiện nay việc vận động học sinh ra lớp ở cấp mầm non, cấp tiểu học ở vùng đồng bào DTTS đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, đến cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì lại thấp. Lý do là họ nhận thức học chữ chỉ cần biết đọc và biết viết. Vì vậy phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đối với con em đồng bào DTTS.
Các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp ưu tiên, tiếp tục quan tâm đến giáo dục vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về việc điều chỉnh chính sách cử tuyển đối với học sinh DTTS.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ đã có chỉ đạo rất sát sao, vừa qua đã có nhiều kết quả, tuy nhiên cũng có những bất cập. Ví dụ chính sách về học bổng, về ưu đãi. Riêng học bổng mức rất thấp, nội trú chỉ có 80% lương cơ bản, bán trú có 40% và 15kg gạo. So với trượt giá hiện nay mức đó quá thấp. Một số chính sách khó khăn, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có chính sách để hỗ trợ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở những vùng khó khăn.
Về cơ sở vật chất, trong những năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, các đề án hỗ trợ cơ sở vật chất, trường lớp sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ để khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, tranh tre, nứa lá. Trong 10 năm, từ năm 2008 đến nay đã xây được khoảng 34.000 trường mầm non và tiểu học cũng tương tự. Đây là cố gắng rất lớn. Gần đây, năm 2016 Chính phủ đã ưu tiên nguồn trái phiếu Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ các vùng khó khăn, trong đó có miền núi, vùng DTTS. Những chính sách trước kia đã được hưởng và bây giờ có một số trường hợp không được hưởng, Bộ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có chính sách phù hợp hơn với những đối tượng cận nghèo, thoát nghèo hoặc đã thoát nghèo nhưng có xu hướng rơi vào cận nghèo.
Về chính sách cử tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: đây là một chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng như các Bộ, ngành liên quan quan tâm đến nhiều chính sách, trong đó có cử tuyển. Cách đây khoảng 5-7 năm chính sách này phát huy hiệu quả rất cao. Vì số huyện khó khăn của các tỉnh cử người đi học và các em đi học về được bố trí việc làm. Nhưng gần đây, do nhiều lý do khác nhau, việc cử tuyển có vấn đề. Nhiều sinh viên được cử đi học về không bố trí được việc làm. Bộ đã tiến hành khảo sát tại những vùng khó khăn để đưa vào sửa đổi Luật Giáo dục lần này theo hướng thiết thực và gắn trách nhiệm của địa phương, người học và chính sách đối với những đối tượng cử tuyển.
Có thể thấy, vấn đề giáo dục vùng DTTS và miền núi đã được quan tâm tại phiên chất vấn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu cho Chính phủ một chính sách căn cơ hơn đối với giáo dục vùng DTTS và miền núi. Tin tưởng rằng, lời hứa của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ được thực hiện, để giáo dục vùng DTTS và miền núi có điều kiện phát triển.
“Đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo. Trong đó quan tâm đến chính sách đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết các nội dung đã được giao khi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
THANH HUYỀN