Không nhúc nhích có nghĩa là ngại thay đổi, là bàng quan, vô cảm và thờ ơ với các vấn đề trong đời sống xã hội. Đó là việc phó mặc, thoái thác, không quan tâm, việc nói mãi mà không biến chuyển… Kỷ cương phép nước không nghiêm, cấp trên nói cấp dưới không tuân thủ, không chấp hành-theo cách nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không nhúc nhích nên đã dần hình thành một thứ “Văn hóa không nhúc nhích”.
Theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn nói trên diễn đàn, ở Việt Nam, con đường ngắn nhất là con đường từ dạ dày đến nghĩa địa; con đường dài nhất là con đường từ lời nói đến việc làm. Nhiều lúc, người ta hứa hẹn nhiều, diễn thuyết rất hay nhưng nói một đằng, làm một nẻo, ít khi chuyển thành hành động, lời nói không đi đôi với việc làm.
Chúng ta đã chứng kiến thứ “văn hóa không nhúc nhích” khá phổ biến ở Việt Nam. Chỉ thị, nghị quyết, quy định được ban ra rộng khắp nhưng đâu đó vẫn còn những cán bộ đi lễ chùa giờ hành chính, uống rượu bia trong giờ làm việc…; tham nhũng, lãng phí, hàng giả, hàng nhái, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… nói mãi nhưng vẫn là mối hiểm họa của toàn xã hội. Mới đây nhất, là sai phạm của tỉnh Bình Phước trong việc chưa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là đóng cửa rừng tự nhiên… Và có thể kể ra hàng trăm, hàng ngàn ví dụ về thực trạng “văn hóa không nhúc nhích”-khoảng cách khá xa giữa lời nói và việc làm.
“Văn hóa không nhúc nhích” là một thực trạng xấu trong xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã và đang ra tay quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính. Thủ tướng phê phán gay gắt tình trạng “không nhúc nhích”, đó là một thứ bệnh càng để lâu càng khó chữa trị. Việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ để “truy” đến cùng việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc loại bỏ thứ văn hóa này.
Quyết tâm lớn là thế, tuy nhiên để loại bỏ thứ văn hóa này, không phải một sớm một chiều. Để làm được điều đó cần thiết lập những điểm tựa tin cậy. Nó phải thực sự xuất phát từ hành động mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo và toàn thể nhân dân. Toàn dân sẽ phải cùng “nhích”, cùng hành động với Nhà nước trong cuộc chiến đầy cam go này, bởi lẽ lợi ích chính đáng của mỗi công dân sẽ được tìm thấy trong lợi ích chung của đất nước.
Một Chính phủ hành động đang dần hiện rõ thông qua những việc làm cụ thể chứ không chỉ là lời nói suông. Thế nhưng, sự chuyển động ấy mới ở phần ngọn, điều mà người dân mong mỏi là nhìn thấy “nhúc nhích” thực sự. Mong muốn ấy có lẽ là sự chuyển biến, xê dịch để chạm tới những điều mới, để mỗi người dân thấy mình lớn hơn và thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn. Đối với mỗi người trong xã hội ngày nay, tư tưởng, hành động, sự quyết tâm sẽ quyết định con đường chúng ta đi, hãy “nhúc nhích” để góp phần xê dịch sự chuyển động của đất nước trong hành trình phát triển đi lên.
THANH HUYỀN