Quan tâm chăm lo đồng bào DTTS
Mới đây theo Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn thuyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã tới thăm mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại hộ gia đình ông Thào A Chua, dân tộc Mông, tại xã Púng Luông.
Ông Thào A Chua cho biết, gia đình ông có 7 người, thu nhập chủ yếu làm nông nên dù đã thoát khỏi hộ nghèo năm 2021 nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Khi được cán bộ địa phương đến tuyên truyền, được người cháu ruột đã đi làm du lịch ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) về hướng dẫn, năm 2023, ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng, với lãi suất ưu theo Nghị định số 28/2022/ NĐ- CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 để đầu tư làm du lịch cộng đồng.
Từ nguồn vốn vay, ông đã xây dựng 1 ngôi nhà cấp 4 trên đỉnh đồi hướng về khu ruộng bậc thang với 4 phòng nghỉ, 1 khu sinh hoạt cộng đồng, sức chứa tối đa 20 khách; phân công các thành viên trong gia đình học hỏi, tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ du lịch do huyện và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức để biết thêm các kỹ năng, kiến thức, các điều kiện cần thiết để làm dịch vụ đón khách du lịch.
Tháng 8 năm nay, “Nature Homstay” của gia đình ông đã đón những đoàn khách đầu tiên, cho thu nhập khoảng hơn 40 triệu đồng. Ông hy vọng rằng, cứ theo đà này, khoảng 3 năm nữa ông sẽ trả hết nợ ngân hàng.
Trong chuyến kiểm tra, Đoàn công tác cũng đã đến thăm Trường PTDT bán trú Tiểu học Púng Luông, xã Púng Luông. Chia sẻ về ngôi trường khang trang, sạch đẹp, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang, trước đây, trường chỉ có 12 phòng học nhưng có tới 18 lớp, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nhà trường đã được đầu tư xây thêm công trình nhà lớp học mới 3 tầng với 9 phòng học, trang bị đầy đủ trang thiết bị giảng dạy, với tổng vốn đầu tư trên 6,1 tỷ đồng, đáp ứng đủ lớp học cho các em.
Chủ tịch UBND huyện Lê Trọng Khang cho biết, thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, huyện Mù Cang Chải được giao kế hoạch vốn là 516.963 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 505.489 triệu đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 11.474 triệu đồng.
Kết quả giải ngân các Chương trình MTQG tăng dần qua các năm: Năm 2022 là 47.183,64 triệu đồng đạt 23,5% kế hoạch vốn giao, đạt 28,2% vốn đã phân bổ. Năm 2023, tính đến hết niên độ ngân sách thực hiện giải ngân 232.251 triệu đồng, đạt 88,3% kế hoạch vốn. Năm 2024, tính đến hết tháng 7/2024 thực hiện giải ngân 111.478,4 triệu đồng, đạt 47,1% kế hoạch vốn và đạt 58,3% kế hoạch vốn đã phân bổ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trong những năm qua, có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến đời sống của người dân. Nguồn vốn từ các chương trình MTQG đã đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của giai đoạn 2021- 2025 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo…
Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho Nhân dân
Từ nguồn lực các Chương trình MTQG, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.954 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó từ Chương trình MTQG 1719 đã hỗ trợ làm mới 1.172 nhà ở cho hộ nghèo (năm 2023 là 653 nhà, 7 tháng đầu năm 2024 hỗ trợ 519 nhà); đầu tư 220 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, gồm: 72 công trình đường giao thông (khoảng 130 km); 36 công trình cầu, ngầm, kè; 22 công trình thuỷ lợi; 37 công trình trường học; 21 công trình nước sạch; 2 công trình điện nông thôn (khoảng 18.500m), 10 công trình chợ và 20 công trình văn hóa, thể thao…
Đặc biệt, kết quả nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 còn 12,14% (giảm bình quân 4,93% so với năm 2022, vượt 1,93% so với mục tiêu 3% của Chương trình), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 9,83%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%. Ước năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 5%; ước thực hiện năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,4%, hộ cận nghèo còn 3%. Số xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh là 17 xã (giảm từ 59 xã năm 2021 xuống còn 42 xã vào cuối năm 2023).
Ngoài ra, các Chương trình MTQG bước đầu cũng đã mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, với sự quan tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án của các Chương trình MTQG đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số hạnh phúc cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi.