Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Năm học vừa qua, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, các cán bộ quản lý, giáo viên; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp, giúp đỡ, chỉ đạo của các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT, giáo dục tiểu học đã đạt được kết quả khá toàn diện.
Trong năm học 2023 - 2024, toàn quốc có 485.200 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các trường tiểu học, trong đó có 393.096 giáo viên. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41. Nhìn chung, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Theo báo cáo tổng kết của Vụ Giáo dục Tiểu học, những năm qua, các địa phương đã chú trọng rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp hơn cho việc trẻ em đến trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giúp các cơ sở giáo dục ngày càng được hoàn thiện và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.
Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%; trong đó có 34/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 54%.
Các địa phương đã không ngừng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hướng đến đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Các sở GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 theo các văn bản hướng dẫn chuyên môn về giáo dục tiểu học đã được Bộ GD&ĐT ban hành. 100% các nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4, trong đó có một tỷ lệ nhỏ là các ngoại ngữ khác (chiếm khoảng 0,1%). 100% học sinh lớp 3, 4 được học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ bản bảo đảm về chất lượng theo yêu cầu cần đạt của Chương trình.
Các địa phương đã làm tốt công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi, đầu năm học 2023 - 2024 đã đạt 1.703.686/1.708.813 (đạt 99,7%). Việc thực hiện đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đến hết năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc. Số lượng học sinh tiểu học bỏ học chiếm tỷ lệ 0,03%.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao kết quả đạt được với giáo dục tiểu học trong năm học 2023 - 2024, cũng như cả lộ trình 4 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khi trao đổi về vấn đề cần quan tâm với giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đầu tiên đến chất lượng đầu vào của giáo dục phổ thông, cụ thể là lớp 1.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong 12 năm học phổ thông, dường như chúng ta chú ý nhiều hơn đến kiểm soát “đầu ra”, dành nhiều thời gian, công sức cho tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chưa thực sự quan tâm một cách tương xứng với “đầu vào”, là chăm chút, hỗ trợ cho học sinh lớp 1.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các địa phương cần lưu ý đến việc bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ đến trường; chuẩn bị Tiếng Việt cho học sinh đồng bào DTTS trước khi vào tiểu học; chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để hỗ trợ tốt nhất học sinh vào lớp 1… Để làm sao thực hiện đồng thời và hiệu quả hai công việc: Chăm chút cho đầu vào và đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc đầu ra…
Hiện nay, tổ chức dạy học Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề đội ngũ giáo viên. Các tỉnh khó khăn cần áp dụng một cách chủ động và tích cực hơn, có kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay trên địa bàn của mình - đây mới là cách lâu dài.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025 có nhiều hoạt động mang tính chất tổng kết. Như sau khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 5, cần đánh giá lại quá trình thực hiện xem đã tốt hay chưa, từ hệ thống sách giáo khoa đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… Từ đó bước vào giai đoạn đổi mới theo chiều sâu được tốt hơn.
Theo người đứng đầu Bộ GD&ĐT, cần đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, bồi dưỡng nhân cách, phát triển con người. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc hoạt động chào cờ, hát Quốc ca trong cả học sinh và thầy cô. Học sinh cần thuộc Quốc ca của đất nước. Cùng với đó, dạy học sinh nhuần nhuyễn và vận dụng thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy.
Tại Hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT chia sẻ kết quả đạt được của giáo dục tiểu học tại địa phương, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đưa ra kiến nghị, đề xuất. Một số nội dung được tập trung trao đổi liên quan chuyển đổi số, triển khai học bạ số, tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường dạy học tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp 1 vùng đồng bào DTTS; việc triển khai dạy học Ngoại ngữ và Tin học...