Chiều 12/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2024. Ông Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp chủ trì Họp báo.
Tại Họp báo, ông Đỗ Xuân Quý cho biết, vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm (tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 3/2024).
Toàn ngành đã thi hành xong trên 242.300 việc và gần 47.600 tỷ đồng. "Trong đó, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc, với hơn 10.000 tỷ đồng. Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo", ông Đỗ Xuân Quý thông tin.
Cũng trong thời gian trên, Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự gần 1.400 bản án hành chính. Các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 400 việc và đang tiếp tục thi hành 979 bản án (trong đó, số bản án có quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án là 374 bản án, số bản án chưa có quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa là 605 bản án).
Từ nay tới hết quý II, cơ quan này sẽ bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024. Đặc biệt, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Ông Đỗ Xuân Quý nhấn mạnh, các vụ án lớn, án về kinh tế, tham nhũng và có nhiều người được thi hành án cũng sẽ được chú trọng thi hành tốt.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công chứng, trợ giúp pháp lý... đã được chú trọng.
Theo Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, cả nước thụ lý 5.330 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng và có 3.160 vụ việc kết thúc. "Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên", ông Quý khẳng định.
Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu đẩy nhanh việc kết nối các phần mềm phục vụ thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, thực hiện phân quyền cho Sở Tư pháp tra cứu thông tin có trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Đến nay có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền.
Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết kịp thời khoảng 230.000 Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023).
Tỷ lệ phiếu trực tuyến chiếm khoảng 84% trên tổng số phiếu đăng ký và phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự.