|
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh việc Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự và Luật Tiếp cận thông tin là một thành công lớn. Tuy nhiên, để các quy định của luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, được bảo đảm thi hành thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả trên phạm vi cả nước thì khối lượng công việc phải làm là rất lớn, liên quan trực tiếp đến các cơ quan trong hệ thống bộ máy Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, để triển khai Bộ luật Hình sự và Luật Tiếp cận thông tin, năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 4. Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quyết định về kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự và Luật Tiếp cận thông tin.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe giới thiệu những nội dung cơ bản và những công việc cần triển khai thi hành của Bộ luật Hình sự và Luật Tiếp cận thông tin; tiến hành thảo luận. Đại diện Bộ Tư pháp đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các đai biểu liên quan liên quan đến việc triển khai Bộ luật Hình sự và Luật Tiếp cận thông tin.
Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Nhìn một cách tổng quát, Bộ luật Hình sự có nhiều đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung cùng phần các tội phạm cụ thể, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, vấn đề tội phạm và hình phạt.
Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đổi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Đây là đạo luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Theo chinhphu.vn