Tham dự còn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam. Đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ đơn vị UBDT; lãnh đạo UBND và Ban Dân tộc các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là khu vực trọng điểm phát triển cây công nghiệp, có tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng và có nhiều nhóm DTTS sinh sống. Những năm qua, để hỗ trợ đồng bào DTTS ở Tây Nguyên phát triển, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều dự án lớn như: Chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thực trạng phát triển kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS còn cao; vì vậy để giúp Tây Nguyên phát triển cần phải có nhiều giải pháp.
Quang cảnh Diễn đàn Tại Diễn đàn, các đại biểu được nghe nhiều tham luận quan trọng, với quá trình nghiên cứu sâu sắc, đưa ra những số liệu và ý kiến phản biện đáng lưu ý, cùng các sáng kiến, giải pháp khả thi đã được diễn giả trình bày, cụ thể: Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan giới thiệu đề tài “Hợp tác công tư và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Câu chuyện nhiều bên cùng có lợi”; ông Hoàng Trung Định-Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ về về “Hợp tác công tư, giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS - Chủ trương và Chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác công tư”; cố vấn trưởng chương trình UN-REDD, ông Fabien Montials chia sẻ kinh nghiệm về những lợi ích thiết thực hợp tác công tư trong việc triển khai các đề án, dự án, chương trình triển khai trong vùng đồng bào DTTS, về cơ hội kinh tế dựa vào Rừng tại Việt Nam; ông Lê Văn Hải giám đốc Trung tâm nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng bàn về cách huy động sự tham gia của cơ sở khi triển khai thực hiện Chương trình 135...
Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn
Kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế xã hội là rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc ngày càng khó khăn. Các giải pháp giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS không thể chỉ trông đợi hoàn toàn vào ngân sách của Nhà nước. Muốn phát triển khu vực Tây Nguyên cần huy động nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội, đặc biệt là vai trò của người dân, trong đó, trọng tâm là giải pháp hợp tác, kết nối giữa việc triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước với sự tham gia đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhằm tạo ra công ăn việc làm cho đồng bào DTTS ở khu vực vươn lên thoát nghèo. Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, vùng DTTS cần tiếp cận theo hướng tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ về đất đai, miễn giảm thuế, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, thúc đẩy các dự án khai thác về tiềm năng như đất đai, cây công nghiệp, cây dược liệu, rừng, phát triển văn hóa, du lịch, đầu tư cơ sở chế biến, các sản phẩm chất lượng cao như chè, cà phê, hồ tiêu; đặc biệt tạo ra các doanh nghiệp phân phối, kết nối thị trường với người dân.
Đối với những dự án khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng cần có những chính sách riêng, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Các tỉnh cũng cần chỉ đạo các sở, ban ngành xây dựng các dự án nhỏ trong vùng DTTS, rà soát lại những mô hình thành công và chưa thành công để rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến tham quan thực tế mô hình trang trại xanh tại thôn 10, xã Nâm N'Jang, huyện Đăk Song
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và các đại biểu tham dự diễn đàn đã đến tham quan mô hình trang trại xanh tại thôn 10, xã Nâm N'Jang, huyện Đăk Song. Đây là mô hình trang trại nông-lâm kết hợp có diện tích 52ha trồng rừng và cây nông nghiệp dưới tán rừng theo công nghệ sạch tiêu chuẩn quốc tế. Công nhân chủ yếu là đồng bào DTTS, được đào tạo làm việc phù hợp với mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Lê Hường