Cũng không quá ngạc nhiên khi điểm môn Lịch sử lại tiếp tục… dưới đáy!. Kết quả sơ bộ của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy, gần 84% bài thi môn Lịch sử năm nay dưới điểm trung bình. So với các năm trước, điểm thi này là thấp hơn (điểm trung bình năm 2016 là 4,49; năm 2017 là 4,6, còn năm nay là 3,79).
Có lẽ điểm môn Lịch sử quá thấp đã trở thành… bình thường nên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả kỳ thi năm 2018, dư luận không cảm thấy “sốc”.
Còn nhớ, kỳ thi đại học năm 2011, lần đầu tiên cả nước thực sự rúng động khi có đến hàng nghìn bài thi Lịch sử bị điểm 0. Nhưng thật bất thường khi người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo (lúc đó là ông Phạm Vũ Luận) đã nói: “Kết quả đó là bình thường khi mục đích của kỳ thi là phân loại người giỏi, người kém để tuyển chọn”.
Nhưng sự “bình thường” này tiếp tục lặp lại hàng năm. Năm 2014, cả nước chỉ có 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử và tiếp tục có rất nhiều điểm 0, điểm 1. Sau nhiều năm loay hoay với các cải cách, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2018 một lần nữa lại chứng tỏ sự thất bại với môn Lịch sử.
Điểm Lịch sử trong các kỳ thi liên tiếp chạm đáy, vì sao? Phải chăng học sinh ngày càng không thích Lịch sử?
Chưa có một cuộc điều tra nào để trả lời câu hỏi này nhưng đồ rằng, tình yêu Lịch sử của học sinh vẫn luôn hiện hữu. Mỗi lần vào bảo tàng, ắt hẳn chúng ta đều thấy vui khi nhìn lũ trẻ say sưa với những hoa văn trống đồng, chăm chú đọc từng dòng chú thích trên các hiện vật được trưng bày. Rồi mới đây, khi nhà sử học Phan Huy Lê qua đời, hàng vạn sinh viên đã chia sẻ những dòng cảm xúc trên mạng xã hội với tình yêu và sự kính trọng...
Vậy tại sao điểm môn Lịch sử vẫn luôn thấp?
Câu hỏi này xin gửi lại ngành Giáo dục. Và có lẽ, rất nhiều người sẽ không mong muốn lại tiếp tục nhận được câu trả lời: “Kết quả đó là điều bình thường”..
SỸ HÀO