Hiện số bác sĩ của Bình Định chỉ mới đạt 6 người/10.000 dân. Cả tỉnh còn thiếu khoảng 300 bác sĩ mới đạt được 8 người/10.000 dân. Đáng lo ngại hơn, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua đã có 10 bác sĩ trẻ nghỉ việc. Trong khi đó, hầu hết các TTYT, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang còn dư chỉ tiêu bác sĩ, nhưng nhiều năm qua chưa thể bổ sung đủ.
Đơn cử như tại TTYT huyện Phù Cát còn thiếu 13 chỉ tiêu, nhưng có lẽ còn rất lâu mới tuyển đủ. Bởi trong 2 năm 2016 và 2017 cũng chỉ tuyển thêm được 3 người ở các chuyên môn: y học dự phòng, y học cổ truyền và đa khoa.
Bác sĩ Võ Văn Chí, Giám đốc TTYT huyện Phù Cát, chia sẻ: So với các bệnh viện lớn, thu nhập của bác sĩ ở đây thấp hơn nhiều nên chỉ còn biết trông chờ vào một số con em địa phương học ngành y quay về phục vụ, chứ tuyển bác sĩ ở nơi khác về rất khó.
Tại TTYT huyện Vân Canh, việc tuyển bác sĩ có chuyên môn lại càng khó khăn hơn. Là huyện miền núi, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị không quá đông, trung bình chỉ khoảng 90-100 bệnh nhân/ngày. Nhưng theo bác sĩ Lang Đình Bính, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, chúng tôi cần có thêm các bác sĩ CKI, thạc sĩ, nhất là có chuyên môn về sản, gây mê hồi sức… nhưng đến nay, vẫn chưa bổ sung đủ phần nhân lực còn thiếu này.
Quy định mới từ Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc đã chính thức có hiệu lực. Điều này càng gây khó cho các cơ sở y tế, khi quy định, mỗi bàn khám chỉ được khám không quá 65 lượt bệnh nhân/ngày. Nếu khám đến bệnh nhân thứ 66 thì sẽ chỉ được BHXH thanh toán 50% tiền khám. Đó là chưa kể những ràng buộc khác được tính chung cho từng quý. Điều này buộc các cơ sở y tế phải tăng cường nhân lực phục vụ, nhưng dù tỉnh đã có những chính sách ưu đãi đối với bác sĩ, số người chịu về các cơ sở y tế trong tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo ông Lê Quang Hùng, những người nghỉ việc gần đây là bác sĩ trẻ hệ y tế dự phòng, y học cổ truyền, đa khoa, chủ yếu là người từ các tỉnh khác về. Nguyên nhân có lẽ ở thu nhập, do họ phải chi trả nhiều khoản liên quan đến thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt trong khi nhận mức lương thấp.
Giải pháp chính cho tình trạng thiếu hụt bác sĩ hiện nay vẫn là, tiếp tục mời gọi bác sĩ về công tác tại tỉnh qua các kênh khác nhau: gửi thông tin về nhu cầu và chính sách thu hút, ưu đãi của tỉnh cho các trường đại học y dược; tham gia các ngày hội tuyển dụng việc làm do các trường tổ chức; khuyến khích các đơn vị có chế độ phúc lợi ưu tiên cho bác sĩ; tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để bác sĩ có cơ hội phát triển chuyên môn...
“Tuy nhiên, giải pháp cốt lõi có lẽ là phải từ Trung ương, như chính sách yêu cầu phân công nhiệm sở trong thời gian ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp. Có như vậy, mới giải quyết được hài hòa nhu cầu của cả nước. Hiện nay việc tăng số lượng đào tạo có lẽ không mấy khả thi, bởi các trường đều đã hết “công suất”, thậm chí là quá tải”, bác sĩ Hùng phân tích thêm.
LÊ PHƯƠNG