Lo an toàn đê điều, hồ chứa
Thông tin tại cuộc họp ứng phó bão số 7 cuối giờ chiều nay(8/11), Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 14, giật cấp 17.
Trong những giờ tới, bão số 7 được nhận định sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, với tốc độ 15km/giờ. Dự kiến hồi 13 giờ ngày 9/11, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Bắc và nhiều khả năng sẽ đổ bộ đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến nay, biên phòng tuyến biển đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão. Hiện, không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.
Lo ngại hiện nay là an toàn đê điều, hồ chứa. Cụ thể, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ hiện có tổng số 12 hồ chứa thuỷ điện đang phải vận hành điều tiết qua tràn. Ngoài ra, 10 hồ chứa thuỷ lợi cũng đang phải vận hành xả tràn để bảo đảm an toàn hồ, đập và vùng hạ du.
Liên quan đến hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Phạm Đức Luận cho biết, hiện còn tồn tại 42 trọng điểm đê điều xung yếu và 4 công trình đang thi công. Chủ đầu tư cần đặc biệt lưu ý để bảo đảm an toàn.
Chủ động ứng phó “4 tại chỗ”
Trước diễn biến của bão số 7, ngày 7/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 114/CĐ-TTg chỉ đạo chủ động ứng phó bão. Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có công điện gửi UBND các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đề nghị triển khai ứng phó với bão.
Các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Đến nay, có 14 tỉnh, TP ven biển đã ban hành công điện, văn bản triển khai ứng phó.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều 8/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá bão số 7 có cường mạnh, hướng di chuyển phức tạp; do đó các địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó trên tinh thần chủ động cao nhất.
Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là tập trung rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; thu hoạch sớm sản phẩm thuỷ sản đã đến thời kỳ thu hoạch; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với ven biển và trên đất liền, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tổ chức gia cố, chằng chống nhà ở, kho tàng, biển hiệu, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; chặt tỉa cành cây. Sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.