Tối 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai.
Dự buổi Lễ có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; các cơ quan thông tấn, báo chí và đặc biệt là các tác giả/nhóm tác giả đoạt giải.
Báo Dân tộc và Phát triển đoạt giải với loạt bài chất lượng cao
Trong số các tác phẩm được vinh danh tại Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai, Báo Dân tộc và Phát triển đoạt giải Ba với loạt 4 bài "Bảo tồn văn hóa truyền thống qua góc nhìn về chính sách đối với nghệ nhân" của hai tác giả Lê Hường và Ngọc Thu.
Loạt bài khẳng định vai trò của đội ngũ nghệ nhân trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống; được cộng đồng đánh giá, nhìn nhận là "những báu vật sống" tại vùng đồng bào DTTS.
Các tác giả đã đi sâu tìm hiểu công tác chăm lo thực hiện chính sách đối với nghệ nhân trong thời gian qua. Đồng thời nêu ra những khó khăn trong cuộc sống của các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong tặng và những nghệ nhân “không danh phận” đang ngày đêm cố gắng bảo tồn, lưu giữ, phục dựng, truyền dạy và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Từ những trăn trở của các nghệ nhân, nhóm tác giả của Báo Dân tộc và Phát triển đã có đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt các chính sách để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này trong thời gian tới.
Báo chí góp công lớn trong phát triển văn hoá, thể thao và du lịch
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Hai được tổ chức để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân, đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời, phát hiện những điển hình tiên tiến, kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Kể từ ngày phát động, Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, các phóng viên Nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước. Đến hết ngày gửi tác phẩm dự thi (ngày 20/6/2024 tính theo dấu bưu điện), Ban Tổ chức nhận được tổng số 920 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các Nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 119 tác phẩm do Hội đồng Sơ khảo đề xuất vào vòng Chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã tiến hành khẩn trương, công tâm, khách quan, bám sát Thể lệ, Quy chế chấm Giải và chọn được 94 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 5 giải Nhất, 15 giải Nhì, 24 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Ban Tổ chức cũng trao 3 giải tập thể đồng hạng cho các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao.
Phát biểu tại Lễ trao giải, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư, chăm lo và đạt được những thành quả quan trọng. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao”.
Trong sự chuyển mình đó, có sự tham gia, đồng hành, chung lòng, góp sức không quản ngày đêm của các cơ quan báo chí, nhất là đội ngũ nhà báo giàu tâm huyết và sáng tạo - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đã dành ngày càng nhiều hơn trí tuệ, dung lượng, thời lượng cho những tác phẩm về xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Phát huy những kết quả đạt được trong hai mùa giải qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tiếp tục quan tâm, tìm tòi, phát hiện, tổ chức sản xuất và đăng tải những tác phẩm báo chí phản ánh sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa về những thành tựu mà toàn Ngành đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Chú trọng tuyên truyền sâu đậm về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.
“Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các cơ quan báo chí dưới góc nhìn xây dựng, phản biện sẽ có phân tích, luận giải, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đề xuất giải pháp để phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thật sự là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của đất nước; được lượng hóa cụ thể hơn, toàn diện hơn trong văn kiện Đại hội đảng các cấp, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng chính thức phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Ba - năm 2024.