Từ xa xưa, khu vực sườn Tây Yên Tử đã được các vị vua thời Lý - Trần lựa chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, tham thiền học đạo. Đặc biệt, vào thời Trần có nhiều di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được chính các vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng, tu tạo, mở mang. Đây là những danh lam cổ tự mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng sự tàn phá của chiến tranh, một số ngôi chùa cổ bị hư hỏng nay chỉ còn là phế tích như: Chùa Hồ Bấc, Hòn Tháp, Mã Yên…
Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bắc Giang phối hợp Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại các điểm chùa trên sườn Tây Yên Tử cũng như một số địa phương trong tỉnh và thu được nhiều hiện vật.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Để Nhân dân cũng như du khách thập phương hiểu rõ hơn về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh, Sở VHTT&DL tổ chức trưng bày chuyên đề “Dấu thiêng Phật giáo Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất”.
Ngoài không gian trưng bày, giới thiệu gần 400 hiện vật và 60 hình ảnh lựa chọn từ 8 điểm khai quật khảo cổ có liên quan đến các dấu tích chùa, tháp, Sở VHTT&DL Bắc Giang còn giới thiệu chi tiết những điểm chùa, di tích và hình ảnh về quá trình khai quật khảo cổ tại các điểm di tích, dấu tích các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cổ gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; giới thiệu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh; quảng bá tiềm năng về du lịch, khẳng định du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện và mến khách.
Ngay sau Lễ khai mạc, các đại biểu, du khách tham quan không gian trưng bày và trải nghiệm in dập mộc bản. Theo kế hoạch, chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất" được trưng bày từ ngày 1 - 6/2.