QS là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học uy tín hàng đầu thế giới, bên cạnh Times Higher Education (THE) và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU). QS WUR 2023 đã xếp hạng cho 1.422 cơ sở giáo dục đại học (có 124 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên được xếp hạng) trong tổng số 2.462 cơ sở giáo dục đại học tham gia từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ba trường đại học của Việt Nam nằm trong Top 1.000 trường tốt nhất thế giới. Cụ thể:
Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) lần đầu tiên góp mặt, nằm vào nhóm 801-1.000. Đây là thành tích tốt nhất của một trường tư thục tại Việt Nam tính đến nay.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM cũng xếp hạng 801-1.000. 2023 là năm thứ ba liên tiếp hai đơn vị này góp mặt trong top 1.000.
Việt Nam còn có Đại học Tôn Đức Thắng (nhóm 1.001-1.200), tương tự vị trí năm 2022 và 2020. Năm 2021, trường này không được xếp hạng. Đại học Bách khoa Hà Nội nhóm 1.201-1.400, giống năm ngoái nhưng giảm khoảng 200 bậc so với 2021.
Trong khu vực Đông Nam Á, 64 cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng tại Bảng xếp hạng QS WUR 2023, trong đó, Malaysia là quốc gia Đông Nam Á có nhiều cơ sở giáo dục được xếp hạng nhất (24), tiếp theo là Indonesia (16), Thái Lan (10), Việt Nam (5), Phillipines (4), Singapore (3) và Brunei (2). Tuy chỉ có ba cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhưng Singapore vẫn cho thấy vị thế hàng đầu khi có hai cơ sở giáo dục đại học lọt top 20 thế giới (Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 11 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng thứ 19).
Trong top 10 thế giới, các cơ sở giáo dục của Anh và Mỹ vẫn là những cái tên quen thuộc có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. Mỹ tiếp tục là quốc gia của các trường đại học hàng đầu thế giới, với 5 cơ sở giáo dục lọt vào Top 10, trong đó Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí số 1 trong 10 năm liên tiếp. Tiếp đó là Anh với 4 cơ sở giáo dục (trong tổng số 90) lọt vào top 10 thế giới, trong đó Đại học Cambridge lên vị trí thứ 2 thế giới./.
Bảng xếp hạng của QS đánh giá các trường dựa trên 6 tiêu chí bao gồm: bao gồm: đánh giá của học giả (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng, số trích dẫn/giảng viên, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế. Tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong và ngoài nước) cùng các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).