Hợp tác đưa hài cốt liệt sĩ về lòng đất mẹ
Trải qua hơn 20 năm làm nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả của Tổ quốc giao là tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia, Đội K72, đơn vị chuyên trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước đã in dấu chân tại khắp các tỉnh Kratie, Kampong Thom Vương quốc Campuchia.
Đội K72 có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ, hầu hết giàu kinh nghiệm hành quân, được lựa chọn từ các đơn vị chiến đấu. Vậy mà nhiều khi hành quân đến địa điểm, có chiến sĩ không nhấc nổi đôi chân. Thiếu tá Nguyễn Như Hà (Đội K72) hơn 10 năm làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nói: “Từ ngày tham gia nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, tôi đã thấm trải bao gian nan. Mùa khô thì khan hiếm nước nên các chiến sĩ phải thường xuyên uống nước khe, nhiều khi phải chắt chiu từng giọt nước đọng lại trong các khe suối, hốc đá, thân tre… để uống. Nhớ có lần anh em hành quân vào khu vực Brap So, thuộc huyện Snuol, tỉnh Kratie, nước ở đây tràn trề nhưng đục ngầu như nước gạo, đun sôi cũng không trong, nấu cơm không chín. Trong hoàn cảnh ấy, anh em khát đến khô cổ, đợi mãi đến khi trời tối mới được đồng đội tiếp tế. Hôm đó cũng may chưa ai gặp nguy hiểm”.
Còn Đại úy Cao Tiến Huỳnh (Đội K72), người chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm với hơn 12 năm làm nhiệm vụ cho hay, cứ mỗi lần xuất quân, với chiến sĩ Đội K72 hệt như một lần ra trận. Hành trang chất đầy cuốc xẻng, tăng võng, gạo và những đồ vật không thể thiếu cho việc cất bốc mộ liệt sĩ như: Hương đèn, cồn rửa, túi đựng hài cốt... Mặc dù được trang bị một số xe ô tô nhưng những chiếc xe này cũng chỉ di chuyển được trên những cung đường đồi dốc bình thường, còn những cung đường hiểm trở là anh em lại phải hành quân bộ. Có khi đi bộ hàng chục km, băng rừng, vượt suối cả mấy ngày trời, rồi đương đầu với đầy rẫy những hiểm nguy như rắn rết, thú dữ, vắt, ve rừng, muỗi tấn công… rồi thời tiết nắng nóng, giông bão bất chợt ập tới.
“Có những lần lội bộ 3 - 4 ngày đường rừng, khi đi gần đến nơi thì lương thực đã cạn, nếu quay về lấy thì mất thời gian nên anh em lại động viên nhau ăn rau rừng hoặc bắt cá dưới suối, khe rạch làm bữa ăn lót bụng qua ngày. Mùa khô, suối không có nước, phải cắt cây rừng tìm từng ngụm nước uống, hoặc dùng khăn ướt “tân trang” cơ thể”, Đại tá Huỳnh nói.
Thiếu tá Nguyễn Như Hà vẫn nhớ như in cái lần tìm được hơn 10 hài cốt liệt sĩ ở khu vực Kô Đếch, thuộc tỉnh Kratie. Theo nguồn tin báo về, tại đây có một ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Sau khi xác định chính xác nguồn tin, cả đội hành quân qua Campuchia. Đến khu vực Kô Đếch, xem lại tọa độ, ngôi mộ chung này là một bãi đất trống. Khoanh vùng xong, cả đội tập trung đào bới, tìm kiếm. Lần thứ nhất không thấy. Lần thứ hai cũng không. Lần thứ ba tiếp tục đào bới những chỗ nghi vấn và đến lần thứ tư vẫn không có kết quả. Mãi đến đợt 1 giai đoạn 10 mới tìm thấy phần mộ của các anh.
Theo Đội K72, đơn vị chuyên trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nước bạn Campuchia (qua 22 giai đoạn, từ năm 2002-2023), tính đến nay, đơn vị đã tìm kiếm, cất bốc trong nước và hồi hương từ nước bạn Campuchia được hơn 3.500 bộ hài cốt liệt sĩ (có 235 mộ có tên và địa chỉ) hy sinh trong chiến tranh qua các thời kỳ tại các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Hợp tác toàn diện
Nhờ sự chung tay xây dựng, vun đắp của Chính phủ 2 nước Việt Nam - Campuchia nói chung, Bình Phước và các tỉnh giáp biên nói riêng nên người dân hai bên biên giới sống chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa mang tầm quốc gia, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia thêm bền chặt.
Già làng Điểu Nắng (89 tuổi) ở Sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh cho biết, đồng bào dân tộc Xtiêng định cư tại đây từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (1975). Lúc đầu chỉ có vài ba hộ nhưng nay đã có hơn 30 hộ dân sinh sống liền kề nhau. Trước đây, bà con sống bằng nghề trồng lúa, ăn “lộc rừng”, do đó cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau này, bà con chuyển dần sang trồng điều, cao su, cây ăn trái nên đời sống đã tốt hơn.
“Trước đây thì khó gặp lắm, nhưng từ khi có lối mở, có kết nghĩa nên cũng được gặp nhau nhiều hơn, được giao lưu văn hoá với nhau nhiều hơn. Cuộc sống có lúc gặp khó khăn gì 2 bên cũng thường giúp đỡ cho nhau cả về vật chất cũng như tinh thần. Sóc giờ cũng được lắm rồi, hộ nào cũng có cái ăn, cái để rồi. Già thấy vui lắm vì con cháu, bà con trong sóc chịu khó làm lụng, biết giúp nhau lúc khó khăn, lúc hoạn nạn, luôn che chở đùm bọc nhau và sống chan hòa với bà con Campuchia”, già Nắng chia sẻ.
Mới đây, tại buổi sơ kết 5 năm kết nghĩa giữa hai bên, ông Văn Von, Trưởng phum Coọc Tho Mo (huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia) cho biết, vào các dịp lễ Sen Đôl Ta, Ooc Om Bok, Tết Chol Chnăm Thmây, Bộ đội Biên phòng thường sang tặng quà, giao lưu văn nghệ, thể thao và giúp bà con trong phum khám chữa bệnh, thăm hỏi người thân nên quan hệ giữa người dân hai biên giới thêm thắm thiết.
Trung tá Trịnh Văn Vũ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh cho biết, đơn vị được giao quản lý 16km đường biên giới giáp với xã Tuần Lung (huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum). Đồng bào hai bên biên giới chủ yếu là người Xtiêng, Khmer, có quan hệ họ hàng, thân tộc.
Để bà con qua lại thăm hỏi lẫn nhau, khám chữa bệnh, giao lưu văn hóa, năm 2014, lối mở Tuần Lung - Lộc Tấn được hình thành. Đến năm 2018, Đồn tham mưu UBND xã Lộc Thiện hỗ trợ cho ấp Vườn Bưởi kết nghĩa với phum Coọc Tho Mo, xã Tuần Lung. Nhiều năm qua, chính quyền hai địa phương thường phối hợp tuyên truyền về phân giới cắm mốc, các văn bản pháp luật, hiệp định, nghị định chung giữa hai nước.
Trong Chương trình gặp gỡ hữu nghị và hợp tác Nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ V diễn ra tại khu vực biên giới tỉnh Bình Phước (tháng 11/2022), Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam Men Sam An đã tham quan Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (huyện Lộc Ninh), dự Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” giai đoạn 2012-2022. Phó Thủ tướng Men Sam An không khỏi xúc động khi tỉnh Bình Phước đầu tư hơn 298,5 tỷ đồng xây dựng các công trình ghi dấu ấn hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cách đây 45 năm. Đó là những di tích cách mạng như: Điểm cất giấu vũ khí, điểm gặp dân quân và Nhân dân Việt Nam, điểm làm việc xã đội Lộc Tấn, nay là Nhà Văn hóa xã Lộc Thạnh (huyện Lộc Ninh)…
Phó Thủ tướng Men Sam An cho hay, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia với bề dày 55 năm đang phát triển vượt bậc nên hai bên cần tích cực hơn trong thực hiện Biên bản ghi nhớ giai đoạn 2022-2027, các tỉnh biên giới duy trì tình hữu nghị giữa hai dân tộc, ngăn chặn các thế lực thù địch tuyên truyền kích động hòng phá vỡ tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Phó Thủ tướng Men Sam An cảm ơn Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia ủng hộ, giúp đỡ Nhân dân Campuchia thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo và hỗ trợ học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam.