Những con số ấn tượng
Hòa Bình là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 74,31% dân số đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa các dân tộc.
Trong những năm qua, nhờ việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt những kết quả khá toàn diện, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đạt cao hơn bình quân chung của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân/người vùng đồng bào đạt 69,77 triệu đồng, đời sống của đồng bào các DTTS không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3,36%/năm, tỷ lệ giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân mỗi năm là 6,40%.
Đến nay, tỉnh có 14 xã đặc biệt khó khăn và 7 xã khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống Nhân dân…
Để có những kết quả này, một trong những giải pháp quan trọng được các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành và đơn vị liên quan chú trọng thực hiện, là phát triển giáo dục nghề nghiệp; cũng như giải quyết việc làm cho lao động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và cơ sở dạy nghề triển khai đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số và lao động nông thôn.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Dân tộc, UBND các huyện, thành phố cùng các cơ sở đào tạo nghề tiến hành rà soát, điều chỉnh danh mục nghề, mức chi phí đào tạo và hỗ trợ đào tạo sơ cấp hoặc dưới 3 tháng phù hợp với tình hình thực tế.
Sở cũng hướng dẫn các đơn vị đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp và đôn đốc, giám sát các cơ sở tổ chức đào tạo nghề đúng quy định pháp luật. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành kịp thời đã tạo sự đồng thuận và thống nhất cao từ tỉnh đến cơ sở.
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí đáng kể cho giáo dục nghề nghiệp. Tổng ngân sách dành cho Tiểu dự án 3, Dự án 5 lên tới hơn 191 tỷ đồng, trong đó, đã phân bổ hơn 98,5 tỷ đồng, đạt 51,54% kế hoạch.
Số kinh phí này bao gồm 45,3 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề, gần 22,3 tỷ đồng cho sửa chữa và bảo dưỡng các hạng mục tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng hơn 3,5 tỷ đồng dành cho công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp.
Nhờ nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương được đẩy mạnh. Các ngành nghề đào tạo được lựa chọn phù hợp với nhu cầu thực tế, như kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt; trồng cây có múi; may công nghiệp; dệt thổ cẩm; sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp; điện dân dụng; hàn điện; bảo dưỡng, sửa chữa xe máy,...
Những lớp đào tạo này, đã giúp lao động nông thôn nâng cao trình độ, áp dụng kiến thức vào sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được đầu tư trang thiết bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu đào tạo thực tế. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề và việc làm được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
Các cơ quan chức năng đã phối hợp với các trường trung học phổ thông để tổ chức tuyên truyền, tọa đàm định hướng nghề nghiệp, tư vấn việc làm cho học sinh và lao động dân tộc thiểu số. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm và kết nối việc làm, kể cả đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Năm 2022, tỉnh đã tổ chức 35 buổi tuyên truyền cho 1.750 người dân tộc thiểu số và hỗ trợ kết nối việc làm cho 500 lao động. Năm 2023, con số này tăng lên với 13 cuộc tọa đàm, 14 hội nghị tư vấn, giúp 2.560 người tiếp cận thông tin việc làm và hỗ trợ kết nối cho 1.400 lao động.
Bên cạnh đó, việc phân cấp công tác đào tạo nghề cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, đã tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị này chủ động phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Sau đào tạo, nhiều lao động, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đã ứng dụng hiệu quả kiến thức vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế.