Theo ông Nguyễn Văn Chương, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy, trước đây, khu rừng chỉ rộng khoảng 350 ha, nhưng đến nay, nhờ công tác bảo vệ và hạt sến phát tán nên khu rừng đã mở rộng lên gần 520 ha. Đây được xem là khu bảo tồn loài sến mật duy nhất ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.
Được biết, cây sến mật lớn nhất trong khu rừng có tuổi đời ngót 100 năm, đường kính thân khoảng 70 cm. Ngoài ra, trong khu rừng còn có hàng chục vạn cây lớn nhỏ, với nhiều kích thước khác nhau. Hiện nay trong khu rừng, ngoài cây sến, còn phân bố nhiều loài cây khác như lim xanh, chẹo, trâm, trẩu...
"Trước thực trạng cây sến bị chèn ép và trở nên còi cọc, kém phát triển, Ban quản lý rừng sến Tam Quy đang triển khai nhiều giải pháp như tỉa thưa lim, phát quang tán cây, bụi rậm… nhằm vừa đảm bảo sự phát triển hài hòa cho các loài cây trong khu rừng, vừa bảo tồn tốt loại sến quý hiếm của nước ta", Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy Nguyễn Văn Chương chia sẻ.