Trình bày Tờ trình về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Từ ngày 1/6/2019 đến ngày 31/5/2020, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp tổng số 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ cho Nhân dân Cuba. Đến nay, Bộ đã thực hiện xong việc xuất cấp số gạo nêu trên, kịp thời giúp Nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Do đó, Chính phủ trình UBTV Quốc hội bổ sung 274 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho Bộ Tài chính để mua bù tổng số 23.000 tấn gạo đã xuất cấp cứu trợ, viện trợ.
Về dự thảo Nghị quyết của UBTV Quốc hội bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên tại các cơ sở y tế không đủ đáp ứng. Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như chủ động đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra trong tương lai, việc bổ sung thêm nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia là rất cần thiết.
Thẩm tra việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Việc xuất cấp 23.000 tấn gạo để cứu trợ nói trên là cần thiết, vì vậy, việc đề nghị bổ sung kinh phí như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp với quy định của Luật Dự trữ quốc gia. Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quản lý, tổ chức mua bù và sử dụng hàng dự trữ quốc gia đúng mục đích, có hiệu quả cao, đúng quy định của pháp luật.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, đồng thời cần thực hiện theo thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi UBTV Quốc hội ban bành Nghị quyết, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện.
Qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị, sau khi Nghị quyết được thông qua, Chính phủ quy định cụ thể Danh mục gồm các hàng hóa như thuốc phòng, chống dịch bệnh, hóa chất khử khuẩn, khử trùng nguồn nước, làm sạch môi trường, các thiết bị thiết yếu… đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hàng vật tư, thiết bị y tế thuộc Danh mục này.