Sáng 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Chính phủ vẫn mong muốn tăng giờ làm thêm
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành). Quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.
Dù vậy, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, theo phản ánh của Cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định.
Do đó, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã đề xuất hai phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Phương án 1, giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
Phương án 2, quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm. Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Ủy ban về các vấn đề Xã hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
“Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu” – Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh lại.
Không giảm được thì giữ nguyên
Tất cả các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp sáng nay đều vẫn giữ quan điểm không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng, mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới…
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc làm thêm giờ liên quan đến năng suất lao động, không chỉ dựa vào sức người mà còn dựa vào sự đổi mới công nghệ. Nếu không cho phép tăng thì đương nhiên doanh nghiệp phải suy nghĩ đổi mới công nghệ, đưa dây chuyền hiện đại vào. Ngược lại, nếu cho tăng thì sẽ hạn chế đổi mới công nghệ, khuyến khích không đổi mới công nghệ.
“Tăng giờ làm thêm thì người lao động sẽ rất cực khổ, nhất là phụ nữ không còn thời gian nào mà chăm sóc gia đình nữa. Tôi thiết tha đề nghị là nếu không giảm được thì giữ nguyên như hiện nay chứ không tăng giờ làm thêm, tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe về lâu dài” – Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói, trước đây cán bộ công chức làm việc tuần 48 giờ sau đó xuống 40 giờ, bây giờ công nhân vẫn làm việc tuần 48 tiếng mà còn tăng thì đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới.
Bảo lưu ý kiến không đồng tình đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đã phát biểu tại phiên họp 36, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh lại: “Không thể tăng giờ làm thêm mà sau 5 năm tới phải suy nghĩ tới việc giảm”. Theo bà, dù đây là nhu cầu xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động, nhưng đứng về lợi ích thì giới sử dụng lao động đạt được sẽ lớn hơn so với người lao động.
Xuất phát từ lợi ích của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng chung của thế giới. Trong nghiên cứu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, làm việc càng kéo dài thì nguy cơ năng suất lao động giảm và tai nạn lao động là đương nhiên, tai nạn lao động có thể diễn ra khi làm việc quá sức. Cùng với đó là hệ lụy không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, thậm chí nhiều phụ nữ không bị điều kiện tìm bạn đời…
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, doanh nghiệp muốn cạnh tranh được phải bằng công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp, chứ không phải chủ yếu gánh lên vai sức lao động của người lao động.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, UBTVQH cho rằng không nên quy định trong luật tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ. “Nếu quy định tức là chúng ta đã hạn chế sự tiến bộ, đi ngược lại xu thế phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng của thế giới; gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội”- bà nhấn mạnh. Tuy nhiên, nội dung này vẫn sẽ trình ra Quốc hội theo hai phương án, để Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị các Đoàn ĐBQH trong quá trình tiếp xúc cử tri nên lấy thêm ý kiến cử tri (các doanh nghiệp, giới chủ, công nhân, người lao động) về vấn đề này./.