Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: Việc xây dựng Chương trình MTQG là cần thiết; tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG sẽ cơ bản giải quyết được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc hiện nay; đáp ứng mong đợi của đồng bào DTTS.
“Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người DTTS sinh sống ở vùng đồng bào DTTS miền núi. Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về KT-XH; quốc phòng - an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình MTQG bao gồm 10 dự án và các tiểu dự án thành phần. Chương trình được thực hiện ở địa bàn vùng DTTS và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên, phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển. Đối tượng thực hiện của Chương trình là: Thôn, bản, buôn, làng, ấp...; xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các thành phần kinh tế trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK); doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng ĐBKK). Các cơ quan hành chính các cấp tổ chức thực hiện Chương trình.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Thường trực HĐDT thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình MTQG để thể chế hóa Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. “Thường trực HĐDT đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của UBDT (được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo) và các bộ, ngành trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Chương trình”, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất, tán thành với sự cần thiết của Chương trình MTQG đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, UBDT với tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đã xây dựng, hoàn thiện Chương trình MTQG. Các đại biểu cho rằng, để thực hiện tốt Chương trình MTQG cần quan tâm, xem xét các vấn đề, như: Tính toán kỹ lưỡng tính khả thi của từng dự án, tiểu dự án; các mục tiêu cần được cụ thể hóa; làm rõ cơ chế thực hiện; dự án nên phối hợp với dự án khác liên quan đến đồng bào DTTS; chú trọng tính đặc thù của từng vùng miền, dân tộc; đa dạng hóa nguồn lực; nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương…
Một số đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý những chính sách cụ thể, như: Việc thực hiện Chương trình phải bảo đảm phù hợp văn hóa và môi trường sống của đồng bào DTTS; quan tâm giữ gìn tiếng dân tộc; đào tạo giáo viên người DTTS; quan tâm đến kinh tế lâm nghiệp gắn với rừng; thu hút doanh nghiệp đầu tư từ miền xuôi lên miền núi; quan tâm đến đường giao thông, gắn với sắp xếp lại dân cư...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh và đánh giá cao Chính phủ với thời gian ngắn nhưng đã khẩn trương, nghiêm túc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ xây dựng Chương trình MTQG và cho rằng, hồ sơ của Chương trình MTQG đủ điều kiện trình Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ báo cáo, giải trình thêm về phạm vi, giải pháp và một số vấn đề cụ thể thực hiện Chương trình MTQG; khẩn trương ban hành bộ tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi để làm căn cứ thực hiện Chương trình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc thực hiện Chương trình MTQG thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền địa phương phải đề cao trách nhiệm trong thực thi chính sách hiệu quả tại cơ sở. UBDT tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình. HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân tăng cường vai trò giám sát… để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, vì sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.