Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Không đứng ngoài cuộc, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử của UBDT đã có những bước phát triển tích cực. Việc triển khai hệ thống thư điện tử và phần mềm quản lý văn bản, điều hành phục vụ trao đổi và xử lý văn bản điện tử, từ khi hệ thống được ứng dụng đã tiết kiệm đáng kể chi phí hành chính, thời gian đi lại, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành mọi nơi, mọi lúc, từng bước thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại UBDT.
UBDT hiện có 19 máy chủ. Hệ thống mạng nội bộ của UBDT được chia làm 09 hệ thống mạng nội bộ riêng biệt, tổng cộng có trên 400 nude mạng. Triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên 20 vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban và một số Ban Dân tộc ở các địa phương đã kết nối, liên thông với trục liên thông của Chính phủ. Theo đó, tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) so với tổng số văn bản đi/đến giữa các cơ quan, đơn vị trong nội bộ UBDT đạt 90%. Tỷ lệ văn bản không mật gửi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy) đạt 100%.
Ngoài ra, UBDT đã cài đặt, kết nối phần mềm quản lý văn bản đến một số Ban Dân tộc tỉnh, thành phố. Từ khi phần mềm chính thức được đưa vào sử dụng, trên 90% tổng số các văn bản đi, đến được số hóa và gửi đi các vụ, đơn vị và cá nhân liên quan tham gia xử lý, giúp giảm chi phí hành chính và thời gian đi lại. Hệ thống thư điện tử được quản trị và cung cấp cho mỗi công chức, viên chức thuộc UBDT một hộp thư riêng, với số lượng 529 hộp thư, trong đó có 478 hộp thư của UBDT và 51 hộp thư Ban Dân tộc các tỉnh. Cùng với đó, UBDT đã triển khai tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ trụ sở chính tới các vụ, đơn vị địa phương. Bên cạnh đó, UBDT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn về sử dụng chữ ký số và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, trên 90% các văn bản, tài liệu nội bộ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử có ứng dụng chữ ký số…
Ngày 21/6/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã ký ban hành Quyết định số 318/QĐUBDT phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan UBDT giai đoạn 2016-2020, trong đó yêu cầu “Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử cơ quan UBDT”, làm cơ sở để các đơn vị, tổ chức tuân thủ chuẩn kiến trúc Chính phủ điện tử trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
Dự thảo kiến trúc Chính phủ điện tử của UBDT phiên bản 1.0 nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ. Kế thừa, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin. Đảm bảo việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai. Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế. Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư cho các hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin của UBDT.
Theo đó, kiến trúc Chính phủ điện tử của UBDT phiên bản 1.0 được áp dụng đối với: Cơ quan UBDT và các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến của UBDT. Các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, ra quyết định do UBDT thực hiện. Các ứng dụng nội bộ, ứng dụng dùng chung của cơ quan UBDT. Kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trực thuộc UBDT, các Ban Dân tộc tại các địa phương. Nguyên tắc phát triển Kiến trúc Chính phủ điện tử UBDT hướng đến áp dụng cho quá trình phát triển, duy trì, triển khai kiến trúc, thiết lập những cơ sở, chỉ dẫn ra quyết định cho việc thiết kế và phát triển các hệ thống thông tin thuộc UBDT.
Có thể thấy, việc triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử được UBDT rất quan tâm, chú trọng. Báo cáo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng trên 300 trang. Đã phân tích sự cần thiết, lộ trình, các cơ sở dữ liệu để triển khai có hiệu quả kiến trúc Chính phủ điện tử.
Ngày nay, trước yêu cầu phát triển, đổi mới, hội nhập, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử càng trở nên cần thiết để giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của UBDT là rất thiết thực và khả thi trong việc nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong thời kỳ mới.
THANH HUYỀN