Đã trở thành quy luật, vào các dịp ngày Tự do báo chí thế giới (3/5) hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), một số cá nhân, tổ chức, đài báo tiếng Việt ở nước ngoài có quan điểm, tư tưởng chống phá Việt Nam như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ngôi nhà tự do (Freedom House), Đài Á châu tự do (RFA)... lại đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”.
Xã hội hiện đại, báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các quan điểm, ý chí của Nhà nước và tiếng nói của Nhân dân, là công cụ của tự do biểu đạt. Ngày nay, tự do ngôn luận, tự do báo chí có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của từng cá nhân và cộng đồng, được coi là một phần biểu hiện quyền bình đẳng, dân chủ, có tác động thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.