Người La Chí có lịch sử sinh sống lâu đời ở Hà Giang. Do cư trú trên địa bàn có địa hình phức tạp, hầu hết là khu vực núi cao, độ dốc lớn, cách xa trung tâm nên hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của người La Chí. Họ giỏi nghề khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Cũng từ phương thức canh tác ấy đã hình thành những phong tục, tập quán, tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp trong đời sống văn hóa tinh thần của người La Chí với các nghi lễ mang tính đặc trưng độc đáo.
Giao lưu văn hóa là hình thức quan hệ trao đổi văn hóa, từ đó nảy sinh những nhu cầu mới thúc đẩy văn hóa phát triển. Từ quá trình giao lưu văn hóa tạo ra hiện tượng tiếp biến (tiếp thụ và cải biến) văn hoá. Đối với những địa phương nơi trình độ dân trí còn kém phát triển, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá có thể có những biến tướng, phát sinh những tệ nạn xã hội, tác động xấu đến giá trị của nền văn hoá bản địa