Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương.
Các địa phương tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, lốc, sét, ngập lụt, xâm nhập mặn, nắng nóng, mưa đá và các loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân và cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương khẩn trương khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ có người bị chết, bị thương, mất tích do thiên tai theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Nghị định số 76/2024/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trường hợp nguồn lực địa phương không đáp ứng đủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bảo đảm cung ứng lương thực, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với các hộ bị mất nhà do lũ cuốn, sạt lở đất, hộ nghèo, hộ khó khăn có nguy cơ thiếu đói, tuyệt đối không được để người dân bị đói, không có chỗ ở hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu khác; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ, thiên tai.
Các địa phương thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại, kết quả hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.