Có thể thấy, thời điểm ngọn lửa bùng phát, do tòa nhà nằm trong ngõ sâu nên công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn. Xe chữa cháy chỉ có thể đỗ cách hiện trường 300 - 400m nên lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào ngõ sâu để dập lửa.
Đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan của quận Thanh Xuân đang phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố và các lực lượng chức năng khẩn trương xử lý tại hiện trường, tiến hành hỗ trợ người bị nạn và có các phương án khắc phục hậu quả vụ cháy, đồng thời, tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Liên quan đến vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 796/CĐ-TTg yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm. Ngay sau khi kiểm tra hiện trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì làm việc về vụ cháy chung cư mini, đặc biệt là việc điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả.
Những năm gần đây, loại hình chung cư mini xuất hiện “nở rộ” tại nhiều quận, huyện tại Hà Nội, nhất là các khu vực tập trung nhiều trường đại học lớn. Nhu cầu sinh viên, người lao động thuê nhà ở tại chung cư mini tăng “chóng mặt”.
Loại hình chung cư mini luôn cực “hot” tại các đô thị lớn vì diện tích vừa phải, giá bán phù hợp túi tiền của các hộ gia đình trẻ, người lao động và có vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, làm việc, cho con học... Tuy nhiên, đây lại được xem là “vấn nạn” của các đô thị. Giới kiến trúc sư cho rằng: Sản phẩm chung cư mini phát triển nhanh sẽ làm cho thiết kế quy hoạch bị phá vỡ, đi ngược với quy hoạch xây dựng của thành phố.
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, một số chuyên gia Luật cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại đề xuất "luật hóa" loại hình này dưới cái tên là "nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân". Tức là nếu một hộ gia đình, cá nhân có thửa đất ở vài trăm m2 thì có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Trong khi đó theo quy định pháp luật, việc xây dựng dự án phải trải qua rất nhiều thủ tục như: Chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, định giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thẩm duyệt PCCC, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu PCCC, nghiệm thu công trình đủ điều kiện khai thác, vận hành...
Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép chủ nhà được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ, điều này sẽ dẫn đến loại hình chung cư mini được “luật hóa” và không khác gì căn hộ chung cư thông thường. Theo đó, một hộ gia đình trẻ có tài chính từ 700 - 800 triệu đồng cũng có thể mua một căn hộ chung cư mini diện tích 30m2 và được cấp “sổ hồng” giống hệt như mua căn hộ trong dự án. Nếu chính sách này được thông qua, chắc chắn sẽ dẫn đến chung cư mini “đã hot ngày càng hot hơn”, người dân sẽ lại đổ xô mua chung cư mini, sẽ hình thành “làn sóng” đi lùng mua các lô đất ở kề cận để hợp thửa, xây chung cư mini bán tràn lan thay vì khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ.
Ngoài vấn đề về pháp lý, hệ thống PCCC không có hoặc không đạt chuẩn; diện tích nhỏ nên không đủ chỗ gửi xe, an ninh lỏng lẻo; năng lực của chủ đầu tư kém về kinh nghiệm và tài chính dẫn đến tính chịu trách nhiệm không cao...
Từ những phân tích nêu trên, cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo về loại hình chung cư mini, bài học về chính sách, các quy định PCCC để đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/9, an toàn PCCC đã làm nóng “nghị trường”. Báo cáo của Chính phủ đã phân tích tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ 31/10/2022 đến 31/7/2023, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỉ đồng (giảm 30,37%). Xảy ra 8 vụ nổ (giảm 60%) làm 5 người chết (giảm 58,3%), 21 người bị thương (tăng 50%), thiệt hại 50 tỉ đồng (giảm 99%). Chính phủ cũng nhìn nhận nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn...Qua rà soát toàn quốc hiện còn khoảng 38.140 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.