Nghỉ học để cưới
Xã Ia Kênh (Tp. Pleiku) có trên 1.000 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS Gia Rai chiếm trên 80% dân số, nhận thức người dân còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năm 2022, xã Ia Kênh có 3 cặp tảo hôn. “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn là tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin xã hội trên các trang mạng Internet không có chọn lọc, cũng là lý do dẫn đến tảo hôn”, ông Lê Quang Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh, cho biết.
Thực tế, ở xã Ia Kênh, việc kết hôn khi còn quá trẻ đang khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Gia đình em Puih Y là một minh chứng. Em Puih Y, ở làng Thôn Ngó, xã Ia Kênh, quen bạn trai khi mới 14 tuổi. Vì cảm thấy “thích” mà em quyết định nghỉ học để lấy chồng.
Đến nay em đã sinh con, mọi ước mơ phải dừng lại nhường chỗ cho cơm áo gạo tiền và ngày ngày phải loay hoay chăm đứa con nhỏ. Không có tiền, hai vợ chồng phải về ở với bố mẹ đẻ. Thiếu thốn đủ bề, đã khiến gia đình em Y luôn ồn ào bởi những tiếng cãi vã của hai vợ chồng. Giờ đây, em chỉ mong muốn quay lại như thời còn cắp sách đến trường, vui đùa cùng bạn bè.
Tp. Pleiku có 22 xã, phường, trong đó, 37 làng đồng bào DTTS, đa phần là dân tộc Gia Rai. Chỉ tính trong năm 2021, Tp. Pleiku đã có 36 trường hợp tảo hôn là người đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung nhiều ở xã Chư Á và Ia Kênh là địa phương có các làng đồng bào DTTS sinh sống. Tình trạng tảo hôn của đồng bào DTTS trên địa bàn chủ yếu là do những quan niệm về việc lấy vợ, lấy chồng theo phong tục, tập quán lạc hậu. Các cặp trẻ chỉ cần sự đồng ý của người có chức sắc, đứng đầu trong làng, sự đồng ý của cha mẹ hai bên; có những cặp chỉ cần sự đồng ý của cha mẹ hai bên.
Nghi thức được tiến hành theo phong tục tập quán của làng và có sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm mà không chú trọng đến việc làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường. Điều này, gây khó khăn cho chính quyền địa phương nắm bắt các trường hợp kết hôn không đủ tuổi, từ đó phát sinh tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, việc các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh, dẫn đến việc giới trẻ dễ dàng tiếp cận các văn hóa không lành mạnh.
Nỗ lực tuyên truyền trong các làng đồng bào DTTS
Tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là một trong những lực cản đối với sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Để giảm tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, Tp. Pleiku đã triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, hàng năm, Tp. Pleiku đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và HNCHT; tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường nâng cao trách nhiệm trong quá trình quản lý người dân thực thi pháp luật về hôn nhân và gia đình; tiến hành lập hồ sơ và xử phạt đối với các hành vi tảo hôn, HNCHT, các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình...
Ngoài ra, lãnh đạo Tp. Pleiku đã chủ động đưa mục tiêu về hôn nhân và gia đình vào chương trình và kế hoạch hoạt động của UBND và các đoàn thể hàng năm; các hương ước, quy ước của thôn, làng đều triển khai cam kết không tảo hôn và HNCHT. Theo đó, các xã, phường của thành phố đã tổ chức hơn 35 buổi phát động, tuyên truyền chuyên đề về các vấn đề bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng tảo hôn và HNCHT... thu hút gần 1.800 lượt người tham gia; cấp phát 1.000 tờ gấp tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng tiếng Kinh, tiếng Gia Rai và Ba Na.
Già làng Rơ Lan Níp - Người có uy tín ở Nhao 1, xã Ia Kênh chia sẻ: Làng Nhao 1 có 200 hộ, trong đó có đến 158 hộ DTTS Gia Rai. Trước đây, tình trạng tảo hôn tại làng Nhao 1 xảy ra khiến nhiều gia đình không êm ấm. Vì vậy, xã đã phối hợp với hệ thống chính trị thôn làng, già làng, Người có uy tín thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, sinh hoạt nhóm, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh Dân số cũng như tác hại của việc tảo hôn và HNCHT. Đối với những gia đình nào cố tình tổ chức đám cưới cho con khi chưa đủ tuổi kết hôn, thì sẽ bị phạt theo quy định của làng, xã. Đồng thời, dân làng sẽ không đến dự đám cưới.
"Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà nhận thức của bà con ngày được nâng cao. Năm 2020, thôn chỉ xảy ra 1 trường hợp tảo hôn. Từ năm 2021 đến nay không có trường hợp nào”, già làng Rơ Lan Níp cho biết thêm.
Em Kpuih N. (làng Nhao 1, xã Ia Kênh) cho biết:" Em quen bạn trai khi mới 16 tuổi và có ý định kết hôn, tổ chức đám cưới. May mắn em được già làng cùng cán bộ xã đến giải thích, vận động mà chúng em hiểu được tác hại của việc kết hôn sớm. Vì vậy, chúng em quyết tâm dừng lại, chờ đến khi đủ tuổi, chín chắn hơn mới kết hôn”.
Bằng những hình thức truyền thông đa dạng, chú trọng cung cấp kiến thức về hôn nhân, tác hại của hôn nhân cận huyết, tảo hôn đến sự phát triển, Tp. Pleiku đang từng bước ngăn chặn vấn nạn này. Đến năm 2022, Tp. Pleiku đã kéo giảm tỷ lệ tảo hôn còn 19 trường hợp tại các làng đồng bào DTTS.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - Chánh Văn phòng HĐND - UBND Tp. Pleiku, cho biết: Trong thời gian tới, Tp. Pleiku tiếp tục thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025” nhằm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống.
Thông qua các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt kết hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật, các vấn đề bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn, HNCHT và bảo hiểm y tế, lồng ghép với phong trào, các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.