Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tặng quà người có công tại Hà Đông và Thanh Oai: Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình chính sách trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai.
Tại quận Hà Đông, Đoàn đã đến thăm, tặng quà Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1926; ở phường Dương Nội, quận Hà Đông); hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để sửa chữa nhà cho gia đình ông Nguyễn Trần Toại (thương binh 32%).
Tại huyện Thanh Oai, Đoàn đến thăm, tặng quà thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Cương (xã Bích Hòa); thăm, hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để sửa chữa nhà cho gia đình bà Phạm Thị Hà (vợ liệt sĩ ở xã Tam Hưng); thăm, tặng quà nguyên Chủ tịch Hội Người mù huyện Thanh Oai Tào Quốc Đinh (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai).
Trước đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã đến thăm, tặng quà Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội (phường Mộ Lao, quận Hà Đông). Tại đây, thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đã tặng Trung tâm 10 triệu đồng và các phần quà cho người có công đang được chăm sóc tại đây.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu, biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” giai đoạn 2017 - 2022. Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã tặng quà 50 đối tượng chính sách; biểu dương, khen thưởng 15 tập thể, 15 cá nhân có thành tích trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” giai đoạn 2017 - 2022.
Gặp mặt, tặng quà tri ân 100 nhà giáo là thương binh, thân nhân liệt sĩ: Ngày 22/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp Hội Cựu giáo chức TP. Hà Nội tổ chức gặp mặt, tặng quà tri ân 100 nhà giáo là thương binh, thân nhân liệt sĩ.
Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã được nghe tâm sự xúc động của nhà giáo là vợ liệt sĩ; những kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt qua câu chuyện kể của các nhà giáo là thương binh...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay cả nước có hơn 2.219 nhà giáo là liệt sĩ, trong đó TP. Hà Nội có 257 nhà giáo là liệt sĩ. Ngoài ra, TP. Hà Nội còn có 1.010 nhà giáo thuộc diện đối tượng chính sách, gồm 358 nhà giáo là thương binh, 141 nhà giáo là vợ liệt sĩ, 493 nhà giáo là con liệt sĩ và 18 nhà giáo là bố, mẹ liệt sĩ.
Dâng hương tại khu tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh và viếng nghĩa trang liệt sĩ 21-10 (tỉnh Thái Bình): Cùng ngày, Đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến dâng hương tại khu tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh và viếng nghĩa trang liệt sĩ 21-10 (tỉnh Thái Bình).
Nghĩa trang liệt sĩ 21-10 là di tích quốc gia - nơi tưởng niệm cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học sinh lớp 7 của trường cấp 2 Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bị giặc giết hại vào ngày 21/10/1966. Đoàn công tác gồm lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các nhà giáo được trao "Giải thưởng 22/7 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2022".
Hành trình tri ân - Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc: Hành trình năm nay diễn ra trong 6 ngày từ 21 - 26/7. Đoàn công tác của Đoàn Thanh niên TP. Hà Nội cùng đại biểu là đại diện Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên các trường sẽ đến thăm các địa chỉ đỏ tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Đoàn công tác sẽ đến các địa điểm khó khăn để thực hiện một số công trình và phần việc tại xã Triệu Giang và đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), như: Trao tặng công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê”, công trình thanh niên “Sân chơi cho em”; trao tặng 2.000 quyển truyện tranh tô màu thiếu nhi, trao tặng 20 lá cờ Tổ quốc cho đảo; thăm và tặng quà cho 12 gia đình chính sách khó khăn... với tổng nguồn lực xã hội hóa là 140 triệu đồng.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Thành phố tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật tri ân các thương binh, liệt sĩ từ ngày 21 - 27/7.
Trong đó, chương trình nghệ thuật “Thời hoa đỏ” được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức quy mô cấp thành phố sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 24/7, tại sân khấu phía trước tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Chương trình có thời lượng dài 90 phút, giới thiệu tới đông đảo khán giả Thủ đô nhiều tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc.
Cũng trong dịp này, mỗi đơn vị nghệ thuật của Thành phố sẽ xây dựng 2 chương trình nghệ thuật để biểu diễn phục vụ Nhân dân. Cụ thể: Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long sẽ biểu diễn tại Trung tâm quận Nam Từ Liêm và Trung tâm quận Tây Hồ; Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ biểu diễn tại Trung tâm quận Hoàng Mai và Trung tâm huyện Thanh Trì; Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn tại Trung tâm huyện Sóc Sơn và Trung tâm huyện Đông Anh; Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn tại Trung tâm quận Thanh Xuân và Trung tâm quận Cầu Giấy…
Trong dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tại các địa điểm công cộng, khu vực trung tâm các quận, huyện, UBND các quận, huyện, thị xã đều tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật… Chủ đề của các chương trình nghệ thuật hướng tới ca ngợi những hy sinh, công lao của các thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với cống hiến của những lớp người đi trước.