Bên cạnh các mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại, không ít những hệ lụy đã xảy ra thậm chí có những hậu quả nặng nề đến mức không thể khắc phục được. Một sự thật không thể chối cãi là hiện nay, nhiều người tự cho mình là “quan tòa”, “người phán xử”.
Ví dụ như, gần đây, bức ảnh một người đàn ông cầm trên tay 2 con chim đã bị làm thịt. Ngay lập tức người này đã bị quy kết là xâm hại động vật hoang dã, quý hiếm. Thế nhưng, sự thật đằng sau bức ảnh không phải là như vậy. Người đàn ông này cho biết, anh ta chỉ vô tình gặp phải 2 cá thể chim đã được làm thịt trên đường đi ăn cỗ, và chụp ảnh lại mà thôi.
Việc cộng đồng mạng xã hội “ra phán quyết” không còn là chuyện hiếm. Bởi trước đó, nhiều vụ việc với hậu quả đau lòng đã diễn ra. Vào tháng 3 vừa rồi, clip của học sinh HTL lớp 11 Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An hôn nhau với bạn trai bị lan truyền trên mạng. Ngay lập tức “đương sự” bị “tòa án” mạng lên án: “Sống thế thì sống làm gì? Thà chết đi còn hơn!”, “Bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi ăn học mà lại yêu đương nhắng nhít như thế thì sống làm gì nữa”… Không chịu được áp lực nữ sinh này đã tìm đến cái chết.
Có thể nói hành vi “phán xử” trên mạng xã hội là không thể chấp nhận được. Thế nhưng, cũng cần nhìn nhận, đối tượng điều chỉnh của hiện tượng này không phải là mạng xã hội. Bởi mạng xã hội chỉ là công cụ, phương tiện, tiến bộ khoa học. Vì thế chúng ta không thể vì một số hiện tượng tiêu cực mà xóa bỏ, ngăn chặn mạng xã hội.
Nhìn vào bản chất vấn đề, đối tượng cần điều chỉnh của hiện tượng này chính là người sử dụng mạng xã hội. Theo đó, ý thức về pháp luật, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm phát ngôn của một bộ phận “cư dân mạng” còn hạn chế. Từ những nhìn nhận đó, chúng ta cần phải tăng cường giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường để họ có ý thức hơn trên không gian mạng. Đồng thời, về phía Nhà nước cũng cần có các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi thái quá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác ngay cả trên không gian ảo.
KẺ SĨ