Cùng dự cuộc gặp có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, thành viên Đoàn công tác.
Ngoài đông đảo bà con kiều bào, cuộc gặp mặt còn có sự hiện diện của một số người bạn Ba Lan, như ông Franciszek Zwierzynski - cựu chiến binh từng tham gia các ủy ban đình chiến sau Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam.
Cuộc gặp cũng có anh Hồ Chí Dũng, con trai đồng chí Hồ Chí Toán – người Ba Lan gốc Do Thái, tên thật là Stefan Kubiak, bị Pháp bắt đi lính Lê-dương, nhưng sớm giác ngộ chạy sang hàng ngũ Việt Minh và là người được Bác Hồ nhận làm con nuôi. Anh Hồ Chí Dũng nhiều năm nay cũng là người gắn bó với sứ quán, góp nhiều công sức trong việc xây dựng, tu sửa, làm đẹp Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.
Báo cáo Thủ tướng và Đoàn công tác, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải bày tỏ, Đại sứ quán và bà con rất vui mừng được đón Đoàn đại biểu Việt Nam thăm Ba Lan trong những ngày đầu năm 2025 – năm có nhiều ngày lễ lớn trọng đại của đất nước và kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba Lan.
Đại sứ dành nhiều thời gian điểm lại những dấu ấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam với Ba Lan - 1 trong 5 nước quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, là nước duy nhất cử người tham gia cả 2 Ủy ban đình chiến sau Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris, với hàng nghìn sĩ quan.
Ba Lan cũng giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư Việt Nam để xây dựng đất nước trong thời bình. Gần đây, Ba Lan đã hỗ trợ Việt Nam hàng triệu liều vaccine và hàng tấn trang thiết bị ứng phó COVID-19.
Đại sứ cũng chia sẻ về những nỗ lực, đóng góp của Đại sứ quán nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực kinh tế (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt trên 3 tỷ USD, đưa Ba Lan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu); văn hóa, giáo dục và đào tạo (Ba Lan đã tăng học bổng diện hiệp định cho Việt Nam từ 20 lên 50 suất mỗi năm), du lịch (du khách Ba Lan thăm Việt Nam năm 2024 đạt kỷ lục 50.000 người), lao động; đồng thời thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới như logistics, chính phủ điện tử, chuyển đổi số.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 30.000 người, có nhiều dấu ấn nổi bật, tích cực hòa nhập vào xã hội Ba Lan, đóng góp đáng kể vào việc duy trì, phát triển quan hệ truyền thống, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực; được coi là điển hình về cộng đồng người di cư thành công ở Ba Lan.
Người Việt tại Ba Lan làm chủ một số nghiệp lớn về thực phẩm, bán buôn, thương mại điện tử; một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính, giáo dục.
Cộng đồng người Việt Nam ngày càng hội nhập hơn với sở tại, như hiện đã có 7 nhà khoa học được phong hàm giáo sư cấp quốc gia tại Ba Lan, trong đó GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Công nghệ Wroclaw) là thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước Ba Lan. Năm 2024 lần đầu tiên một người gốc Việt trúng cử hội đồng quận tại Thủ đô Warsaw.
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan luôn hướng về quê hương, đất nước, như gần đây đã quyên góp, ủng hộ được khoảng 1,8 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong nước bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Nhắc tới những sự kiện như đại dịch COVID-19, cuộc chiến xảy ra trong lòng châu Âu, hay vụ cháy Trung tâm Thương mại số 44 Marywilska, Thủ đô Warsaw, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam (tháng 5/2024), ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, cho biết sau mỗi khó khăn, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan ngày càng đoàn kết, mạnh mẽ hơn.
Ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan cho biết hiện có 2.000 quán ăn Việt Nam tại Ba Lan.
Các kiều bào nêu các kiến nghị với Đảng, Nhà nước liên quan việc trở lại quốc tịch Việt Nam; cấp căn cước cho người Việt Nam tại nước ngoài; giảng dạy tiếng Việt tại Ba Lan; quảng bá văn hóa Việt Nam; xúc tiến đưa cộng đồng người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số tại Ba Lan…
GS. TSKH. Cao Long Vân, giảng viên Đại học Tổng hợp Zelona Gora, Ba Lan cho biết, đến nay đã hình thành được trường phái vật lý bắt nguồn từ Albert Einstein với nhiều thành viên tại các trường đại học ở Việt Nam.
GS. Cao Long Vân nêu một số kiến nghị, đề xuất liên quan việc tạo điều kiện cho trường phái vật lý này phát triển, cũng như tăng cường hợp tác văn hóa, hợp tác đào tạo văn hóa, nghệ thuật Việt Nam – Ba Lan.
"Rất tự hào về cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan"
Chia sẻ với bà con, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Ba Lan tươi đẹp, đất nước của những vĩ nhân âm nhạc, khoa học như Nikolaj Kopernik, Frédéric Chopin, Marie Curie và qua chuyến thăm, cảm nhận sâu sắc tình cảm mà các nhà lãnh đạo, Nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam và người Việt Nam tại Ba Lan. "Thế giới có thể thay đổi, nhưng giá trị cốt lõi và tình cảm giữa hai nước là không thay đổi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. "Chúng tôi rất tự hào về cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết trong chuyến thăm này, sẽ tham dự chương trình Xuân quê hương chúc Tết bà con kiều bào tại Ba Lan.
Dành phần lớn thời gian phản hồi về từng nội dung trong 10 đề xuất, kiến nghị của bà con, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan rà soát các quy định liên quan quốc tịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam làm việc với cơ quan nước sở tại về thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt như ngoại ngữ trong trường học Ba Lan.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính nghiên cứu tăng phần chi thường xuyên cho các hoạt động của cộng đồng người Việt, các ngày văn hóa tại Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm, đã trao đổi với Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan về việc xúc tiến công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số, đề nghị bà con kiều bào và Đại sứ quán tích cực tham gia thúc đẩy việc này.
Cũng trong trao đổi, các nhà lãnh đạo Ba Lan đã khẳng định sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và Ba Lan sẽ không phải là nước cuối cùng làm việc này.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát các quy định, vướng mắc liên quan căn cước; đề nghị bà con tiếp tục phản ánh rất cụ thể các vướng mắc này để các cơ quan giải quyết.
Về những vấn đề liên quan hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị bà con phản ánh cụ thể hơn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan được tổ chức trong ngày mai (18/1).
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi quy định, tháo gỡ vướng mắc liên quan kinh phí hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nghiên cứu của người Việt Nam ở nước ngoài để huy động nguồn lực trí tuệ cho phát triển đất nước.
Về kiến nghị tạo thuận lợi cho trường phái vật lý Albert Einstein, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết hết sức tâm đắc với đề xuất đẩy mạnh hợp tác văn hóa giữa hai nước, bởi văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa có tính khoa học, dân tộc, đại chúng. Văn hóa cũng là một động lực phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Mặt khác, Ba Lan cũng là nơi sản sinh ra nhiều tài năng văn hóa, nhiều sản phẩm văn hóa. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này với Ba Lan, trong đó có việc cấp học bổng.
Với Đại sứ quán, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải bám sát, nắm chắc tình hình đúng, trúng, kịp thời để tham mưu với Đảng, Nhà nước, đề xuất rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm; thúc đẩy quan hệ hai nước đã có truyền thống 75 năm với những tài sản quý giá, giá trị cốt lõi ngày càng phát triển tốt đẹp.
Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng quan điểm "cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam", nhất là Đại sứ quán phải tìm mọi cách tiếp cận nhanh nhất với bà con khi gặp khó khăn, hoạn nạn và có mạng lưới để kết nối nhanh nhất, xem bà con như người thân trong gia đình, đặt mình vào hoàn cảnh của bà con để giải quyết các công việc với tất cả tấm lòng của mình, tuyệt đối không tiêu cực, nhũng nhiễu.