Sau 30 năm tái lập (4/1992 - 4/2022), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tỉnh Sóc Trăng đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trên hầu hết các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đến nay quy mô kinh tế của Sóc Trăng đạt 57.120 tỷ đồng (tăng 38 lần so với năm 1992); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 10,18%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 2.031 USD (năm 1992 chỉ ở mức 122 USD). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 15,11%, dịch vụ 40,11% và nông, lâm, ngư nghiệp là 44,78%. Tính đến cuối năm 2021, Sóc Trăng có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,5%), trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại buổi Lễ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Tp. Sóc Trăng đạt đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất an lành với sự cộng cư, giao hòa, gắn kết lâu đời của các dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, tạo nên cuộc sống hài hòa về kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... Trải qua các cuộc đấu tranh gian khổ, tinh thần yêu nước, đoàn kết của người dân Sóc Trăng đã được chứng minh bằng những chiến thắng vẻ vang như khởi nghĩa Nam Kỳ, Chiến thắng Chi khu Ngã Năm, Đình Hòa Tú, Miếu Bà Mỹ Đông…
Công nghiệp đang dần trở thành ngành phát triển chủ đạo của tỉnh, với việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió được triển khai; công nghiệp chế biến nông thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng may mặc đã có những bước phát triển mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng năng suất và thu nhập cho Nhân dân. Thương mại dịch vụ có chuyển biến tích cực, hoạt động xuất khẩu hàng hóa là điểm sáng của tỉnh, khi hàng xuất đi khoảng 40 nước và quốc gia lãnh thổ với trị giá xuất khẩu đạt 1,2 tỷ đô la Mỹ, gấp 51 lần so với 1992, trong đó, xuất khẩu thủy sản vượt ngưỡng 1 tỷ đô la Mỹ
Đặc biệt, nông nghiệp thì sản xuất lúa chuyển sang chất lượng cao, lai tạo phát triển các giống như ST 25 đạt thứ hạng cao, nổi tiếng trong và ngoài nước. So với năm 1992, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 20,4 lần; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng gần 13 lần... Hiện nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển các giống lúa mới, diện mạo nông thôn ngày càng xanh sạch, an toàn và thân thiện.
Hơn 2 năm qua, với sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 khá của cả nước. Thực hiện thành công chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ số kinh tế - xã hội tích cực mà tỉnh đã đạt được trong 4 tháng đầu năm đã tạo niềm tin cho Nhân dân và nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022.
“Bên cạnh những thách tích nổi bật, trong 3 thập kỷ qua, tốc độ phát triển kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là phát triển nhanh và bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh năng lực còn hạn chế, các chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay xếp thứ 54/63 tỉnh thành; chỉ PAPI xếp 61/63 tỉnh thành…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, Sóc Trăng cần phải xác định rõ tiềm năng khác biệt; cơ hội nổi trội lợi thế cạnh tranh để bứt, phát triển nhanh bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định, là chiến lược cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
“Xác định sự phát triển của Sóc Trăng phải đặt trong yêu cầu phát triển chung của đất nước, của vùng theo Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị. Đồng thời, bám sát các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình..., phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác”, Thủ tướng yêu cầu
“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, với khát vọng và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Sóc Trăng bứt phá đi lên”, Thủ tướng tin tưởng
Trước đó, vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đến khảo sát thực tế khu bến cảng Trần Đề; khảo sát Khu công nghiệp Trần Đề; kiểm tra công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.