Sáng 30/1, tại Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu với chủ đề Khơi dậy tiềm năng-Phát triển bền vững. Tham dự còn có lãnh đạo một số bộ ngành và đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Bạc Liêu đã xác định hướng đi “rất trúng” là thu hút đầu tư dựa vào nuôi trồng, chế biến tôm. Bởi nhu cầu thị trường thế giới những năm tới khoảng 7 triệu tấn, trong khi sản lượng thế giới hiện chỉ mới 5 triệu tấn. Tuy vậy, Bạc Liêu phải phát triển nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, dễ xảy ra dịch bệnh cho chính con tôm.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn có thế mạnh phát triển các nhà máy điện gió và điện mặt trời bởi tiềm năng nắng, gió quanh năm, đủ điều kiện xây dựng các nhà máy. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì giá điện mặt trời được mua với giá tương đương với 9,35 cent Mỹ/kWh, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ Công thương cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất Thủ tướng về việc điều chỉnh giá thu mua điện gió để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã trao giấy chứng nhận cam kết đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời; các dự án công nghiệp, giáo dục, y tế, nhân lực… với tổng vốn đầu tư là 110.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Bạc Liêu lựa chọn chủ đề Khơi dậy tiềm năng – Phát triển bền vững và đánh giá cao các nhà đầu tư cam kết đầu tư trên 100.000 tỷ đồng vào nhiều lĩnh vực có thế mạnh của Bạc Liêu.
Nhắc lại thành công của Đội tuyển U23 mới đây, vượt qua nhiều đối thủ mạnh, Thủ tướng cho rằng, lãnh đạo Bạc Liêu phải có khát vọng vươn lên để đưa tỉnh nhà phát triển.
“Chúng ta phải có khát vọng, phải có tầm nhìn trong phát triển. Làm sao tỉnh nhà vươn lên hơn nữa, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững hơn nữa. Đó là vấn đề đặt ra của Ban Thường vụ, HĐND, UBDN đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Không có khát vọng không thể nào có phát triển được. Một từ khóa ở Việt Nam đã xuất hiện, đó là “ngành công nghiệp tôm ở Việt Nam”. Chúng ta chỉ cần chưa đến 800.000 ha đất, có thể tạo ra giá trị trên 10 tỷ USD, và chúng ta cũng có thể trở thành một nước đứng đầu sản xuất tôm của thế giới trong thời gian tới nếu quyết liệt thực hiện. Và điều đó đặt ra ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và một số tỉnh khác, tại sao lại không?” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời của Bạc Liêu và cho biết, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực này. Do đó, Bạc Liêu phải tìm lối ra để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, để cùng với những thế mạnh khác, thúc đẩy Bạc Liêu phát triển mạnh mẽ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu biết khai thác hiệu quả bền vững tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà, gắn với xu hướng công nghệ mới, tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn có thể trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển Tây Nam của Tổ quốc. Điều này hoàn toàn là hiện thực chứ không phải dự đoán. “Chỉ có điều chúng ta cần tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa để nhà đầu tư trong và ngoài nước để biến vùng đất đầy tiềm năng này, cả tiềm năng kinh tế và văn hóa này, thực hiện các mục tiêu mà chúng ta đưa ra” – Thủ tướng cho biết thêm.
Với thế mạnh phát triển ngành tôm, Thủ tướng nhấn mạnh, Bạc Liêu cần trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước, cả giống, chế biến thức ăn, chế biến sâu, chế phẩm… và cần áp dụng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản.
Muốn vậy, tỉnh phải đảm bảo giữ được nền tảng sản xuất sạch, ứng dụng khoa học công nghệ để giữ được chất lượng nguồn nước thông qua quy trình kiểm soát chặt chẽ trong nuôi tôm. Phát triển cụm ngành chuỗi giá trị tôm khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng và giảm giá thành, cùng với đó là xử lý nghiêm tình trạng phá hoại thương hiệu tôm của Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, Bạc Liêu cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là dịch vụ logistic, chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ nuôi trồng, thu gom, chế biến tôm. Và điều quan trọng nữa là phải xử lý tốt quy hoạch vùng nguyên liệu và cần có biện pháp chủ động hơn nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Để thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư lớn là những “con sếu” đầu đàn vào Bạc Liêu, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng động, tính minh bạch, đào tạo nhân lực. Tỉnh cần phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hợp tác xã. Nhất là khi bình quân cả nước cứ 145 người dân thì có 1 doanh nghiệp, nhưng ở Bạc Liêu tới 422 người dân mới có 1 doanh nghiệp.
Nhắn nhủ với các doanh nghiệp tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời nói đi đôi với việc làm. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và đối xử với người lao động là vấn đề lớn mà doanh nghiệp cần quan tâm. “Chúng ta cũng cương quyết thu hồi những dự án đã cấp rồi, mà vừa rồi tôi biết cấp nhiều, mà không chịu làm, để nhường lại cho các nhà đầu tư khác. Chúng ta cũng không hoan nghênh những nhà đầu tư tận dụng sơ hở để làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, của sự phát triển bền vững” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ cương quyết giữ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là giữ ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư làm ăn tại Bạc Liêu.
Cũng trong chiều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ Khởi công Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; kết hợp với Lễ thả tôm mô hình siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt Úc và động thổ xây dựng biểu tượng con tôm Việt.
Thủ tướng cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Nuyễn Thị Tâm, đường 23/8, khóm Trà Kha, Phường 1, thành phố Bạc Liêu./.
THEO VOV