Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ĐBSCL là một trong những vùng có đất đai màu mỡ nhất trên thế giới, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Đây là thế mạnh mà vùng tiếp tục phải khai thác để thúc đẩy phát triển. Cùng với đó Thủ tướng cũng nêu tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu của vùng là rất lớn…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu những hạn chế, thách thức đối với vùng, như biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn tiềm ẩn một số vấn đề về dân tộc tôn giáo; liên kết vùng còn hạn chế; thu ngân sách chưa đạt yêu cầu bởi hầu hết các tỉnh trong vùng phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, khoảng cách giàu nghèo so với một số vùng khác có xu hướng gia tăng.
Trong liên kết của vùng với TP. Hồ Chí Minh vẫn còn những bất cập, chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Nêu các vấn đề đó, Thủ tướng gợi ý tầm nhìn đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Theo đó, ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và chiến lược chung của cả nước đến năm 2045. Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL, phát triển nhanh, bền vững và có bước đột phá một số lĩnh vực để không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt.
Để làm được điều đó, theo Thủ tướng, phải có một số giải pháp đột phá cả về tư duy, hành động để đồng bằng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt đối với vùng. Chính vì vậy một số giải pháp lớn là khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai, phối hợp với địa phương, bộ, ngành, chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến đến giữa năm 2020 trình thông qua. Quy hoạch khu vực này gắn với TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Quy hoạch đó phải có giải pháp kết nối cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng phải đặt ra.
Thủ tướng cũng cho rằng, vùng cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch phát triển, trong đó cần bổ sung 45.000 tỷ đồng đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn ngân sách và ODA dành riêng cho phát triển các hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển vùng.
Cùng với đó theo Thủ tướng cần xã hội hóa trong phát triển hạ tầng của vùng, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ đối với vùng ĐBSCL. Đó là Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng cũng nêu một giải pháp quan trọng đối với vùng là chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng đô thị theo chuỗi, tạo điều kiện cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế; triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết 120 theo hướng thuận thiên, giải quyết vấn đề cấp bách của vùng và đời sống của người dân…
BTK