Hội nghị nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề như hội nghị toàn quốc về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…, với “mẫu số chung” là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính, tìm kiếm giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải và thương mại; phục vụ tốt hơn, thực chất hơn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10/6, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O.
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy. Thậm chí, trong khi thực hiện, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trụ cột trong cải cách, tập trung khắc phục các bất cập mà Hội nghị nêu ra.
“Tôi yêu cầu các ngành, các cấp phải cộng tác chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 19 của Chính phủ”.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Ủy ban 1899 (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại) chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến tại Hội nghị hôm nay, nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện 2 dự thảo văn bản nêu trên, tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại tốt hơn nữa, nhanh hơn nữa. Theo đó, trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động trong tháng 8 và trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng 9.
Thủ tướng nhấn mạnh, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù); Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.
BTK T/H